Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì?
  1. Home
  2. Chính sách tiền tệ
  3. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì?
Lê Thu Thảo 5 giờ trước

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì?

 Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirement) là một công cụ quan trọng trong chính sách tiền tệ mà ngân hàng trung ương sử dụng để điều tiết cung tiền và ổn định nền kinh tế. Đây là tỷ lệ phần trăm mà các ngân hàng thương mại phải giữ lại dưới dạng dự trữ tại ngân hàng trung ương, thay vì cho vay lại cho khách hàng. Chính sách này giúp kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và ngăn ngừa các rủi ro tài chính.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì?

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Trong đó: Tổ chức tín dụng bao gồm:

  • Ngân hàng, bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.
  • Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm: công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
  • Tổ chức tài chính vi mô.
  • Quỹ tín dụng nhân dân.

Công thức tính tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc thường được tính theo công thức sau:

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc = Lượng tiền dự trữ bắt buộc / Tổng số tiền khách hàng gửi tiết kiệm

Trong đó:

Lượng tiền dự trữ bắt buộc là số tiền mà các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đảm bảo có được.

Tổng số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bao gồm tất cả các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn dưới 12 tháng và tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.

Ví dụ minh họa:

Nếu một ngân hàng giữ lại 10 triệu đồng làm tiền dự trữ bắt buộc và tổng số tiền gửi của khách hàng là 100 triệu đồng.

Áp dụng công thức trên ta sẽ có:  Tỷ lệ dự trữ bắt buộc = 10% (10 triệu đồng / 100 triệu đồng).

Vai trò của tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Ngày nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của các ngân hàng hoặc quỹ tín dụng diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn có vai trò sau:

Đảm bảo khả năng thanh toán

Khoản tiền mà các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng dự trữ lại sẽ đảm bảo khả năng thanh toán dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Tiền được để vào quỹ dự trữ thanh toán có thể giúp ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút tiền bất cứ lúc nào của khách hàng và tránh tình trạng thiếu hụt tiền khi giao dịch.

Kiểm soát lạm phát

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể sử dụng như công cụ kiểm soát lạm phát bằng cách hạn chế số tiền cho vay đang có sẵn.

Chính phủ thường tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi lạm phát có dấu hiệu tăng cao. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc giúp nguồn cung tiền tệ giảm khiến giá cả thị trường không tăng cao và ổn định nền kinh tế.

Bảo vệ quyền lợi khách hàng

Mỗi ngân hàng đều phải có khoản dự trữ bắt buộc nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng.

  • Khi một người muốn ngay lập tức rút hết tiền tiết kiệm hoặc vay tiền, ngân hàng sẽ luôn đảm bảo có đủ nguồn tiền mặt để đáp ứng.
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng.

Đảm bảo sự hoạt động của ngân hàng

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp ngân hàng đảm bảo sự hoạt động ổn định và có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ.

  • Điều này cực kỳ có lợi cho ngân hàng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.
  • Khoản tiền dự trữ sẽ giúp ngân hàng duy trì hoạt động bình thường và chi trả cho những khoản nợ nếu có.

Tác động của dự trữ bắt buộc đối với tài chính

Khả năng cho vay của các ngân hàng

  • Hạn chế nguồn vốn cho vay
    • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao buộc ngân hàng giữ lại nhiều tiền hơn, giảm lượng vốn khả dụng để cho vay.
    • Ngược lại, tỷ lệ thấp giúp ngân hàng mở rộng tín dụng, tăng cung tiền.
  • Tác động đến số nhân tiền tệ
    • Tỷ lệ dự trữ cao làm giảm số nhân tiền tệ, thu hẹp khả năng tạo tín dụng.
    • Tỷ lệ thấp làm tăng số nhân, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
  • Chi phí vốn vay
    • Tỷ lệ dự trữ cao thường dẫn đến lãi suất tăng, làm chi phí vay vốn cao hơn

Việc điều tiết cung tiền

  • Khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc:
    • Các ngân hàng sẽ phải giữ lại một lượng tiền mặt lớn hơn trong tài khoản dự trữ, làm giảm khả năng cho vay và đầu tư của họ, từ đó giảm cung tiền trong nền kinh tế.
    • Điều này có thể dẫn đến việc tăng lãi suất tiền gửi, khuyến khích người dân tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu, qua đó giảm cầu tiền.
  • Khi Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc:
    • Các ngân hàng có thể giải phóng một lượng tiền mặt lớn hơn để cho vay và đầu tư, làm tăng cung tiền trong nền kinh tế.
    • Điều này thường dẫn đến việc giảm lãi suất tiền gửi, làm giảm động lực tiết kiệm của người dân và tăng chi tiêu, qua đó tăng cầu tiền.

Lãi suất.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc càng cao thì doanh thu của ngân hàng càng bị ảnh hưởng.

  • Để bù lại phần chênh lệch này, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay.
  • Điều này sẽ làm giảm khả năng cung tiền của Ngân hàng thương mại.

Từ đó lượng tiền được tạo ra sẽ ít đi.

Điều chỉnh lạm phát

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một công cụ quan trọng để điều chỉnh lạm phát.

  • Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, cung tiền sẽ giảm đi. Cùng với đó, lãi suất tăng lên khiến cho tổng cầu giảm. Kết quả là lạm phát giảm
  • Ngược lại, tỷ lệ dự trữ giảm khiến cung tiền tăng, lãi suất cho vay giảm. Lúc này, người dân có xu hướng vay vốn nhiều hơn. Kết quả là lạm phát tăng.

Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như một chỉ báo với nền kinh tế.

  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, thị trường chứng khoán cũng lạc quan hơn.
  • Ngược lại, nếu Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các hoạt động kinh doanh sẽ bị hạn chế hơn. Kết quả là thị trường chứng khoán cũng gặp nhiều biến động.

Các yếu tố nào ảnh hưởng đến Tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Tình hình kinh tế vĩ mô

  • Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh, ngân hàng trung ương có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát lạm phát.
  • Ngược lại, trong thời kỳ suy thoái, tỷ lệ này có thể được giảm để thúc đẩy tín dụng và kích thích kinh tế.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được sử dụng để điều tiết lượng tiền cung ứng, từ đó kiểm soát lạm phát. Việc tăng tỷ lệ này giúp giảm lượng tiền lưu thông, trong khi giảm tỷ lệ sẽ tăng cung tiền.

Chính sách tiền tệ và lãi suất

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại, từ đó tác động đến lãi suất thị trường. Việc điều chỉnh tỷ lệ này là một phần trong chiến lược chính sách tiền tệ tổng thể của ngân hàng trung ương.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng

Khi hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản, ngân hàng trung ương có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền về, ngược lại, khi thiếu hụt thanh khoản, tỷ lệ này có thể được giảm để hỗ trợ các ngân hàng.

Quy định pháp luật và hướng dẫn của ngân hàng trung ương

Các quy định pháp luật và hướng dẫn từ ngân hàng trung ương định rõ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các loại tiền gửi và tổ chức tín dụng khác nhau.

Kết luận

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể được xem như một “van điều tiết” giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lượng tiền lưu thông, ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh tỷ lệ này phản ánh mục tiêu và định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tại mỗi thời điểm cụ thể, phụ thuộc vào các yếu tố như tình hình lạm phát, tăng trưởng kinh tế, và sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

0 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar