Trái phiếu chính phủ là gì?
Trái phiếu chính phủ được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn và ổn định nhất dành cho cá nhân và tổ chức. Đây không chỉ là công cụ huy động vốn quan trọng của chính phủ mà còn là giải pháp đầu tư hấp dẫn cho những ai tìm kiếm sự ổn định và lợi nhuận đảm bảo.
Trái phiếu chính phủ là gì?
Trái phiếu Chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
Về bản chất, trái phiếu chính phủ là phương thức để nhà nước vay vốn. Do đó, trái phiếu ghi nhận nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước và quyền lợi của người sở hữu trái phiếu. Hình thức ban đầu của trái phiếu chính phủ áp dụng phổ biến là hình thức chứng chỉ, sau đó xuất hiện thêm hình thức bút toán ghi sổ.
Các loại trái phiếu chính phủ hiện nay
Tín phiếu kho bạc: là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần và đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.
Trái phiếu kho bạc: là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 01 năm trở lên và đồng tiền phát hành là đồng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Công trái xây dựng Tổ quốc: là loại trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ một 01 năm trở lên, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam và được phát hành nhằm huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.
Đặc điểm của trái phiếu chính phủ
- Chủ thể phát hành
Tại Việt Nam, trái phiếu Chính phủ được phát hành bởi Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại diện cho Nhà nước với Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp. Trong đó, Bộ Tài chính thường ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tổ chức phát hành và quản lý trái phiếu này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể giao cho các tổ chức tài chính, chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng để thực hiện việc phát hành và quản lý trái phiếu nhằm đảm bảo quy trình diễn ra thuận lợi.
- Phương thức phát hành
Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo ba phương thức sau:
– Đấu thầu phát hành trái phiếu: Đây là phương thức phổ biến nhất, trong đó các nhà đầu tư tham gia cạnh tranh về lãi suất hoặc giá mua trái phiếu. Trái phiếu sẽ được bán cho những người đấu thầu thành công với mức giá và lãi suất phù hợp.
– Bảo lãnh phát hành trái phiếu: Trong phương thức này, các tổ chức tài chính (chủ yếu là ngân hàng) đóng vai trò bảo lãnh, cam kết mua toàn bộ hoặc một phần trái phiếu nếu nhà đầu tư không mua hết trong đợt phát hành.
– Phát hành riêng lẻ: Ngoài hai phương thức trên, Chính phủ cũng có thể phát hành trái phiếu trực tiếp cho các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng tiếp cận với hình thức này.
- Đồng tiền được sử dụng
Tại Việt Nam, trái phiếu Chính phủ được phát hành bằng đồng Việt Nam (VND). Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt cần huy động vốn cho các dự án cụ thể hoặc nhu cầu giao dịch quốc tế, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ.
- Lãi suất
Lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam được xác định bởi Ngân hàng Nhà nước và thay đổi tùy theo từng kỳ hạn trái phiếu. Hiện nay, trái phiếu Chính phủ Việt Nam có các kỳ hạn phổ biến gồm 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Cách thức hoạt động của trái phiếu chính phủ.
Khi chính phủ cần huy động vốn, họ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ. Các nhà đầu tư, bao gồm cá nhân, tổ chức tài chính, hoặc các quỹ đầu tư, mua trái phiếu chính phủ.
Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cho chính phủ vay tiền với cam kết chính phủ sẽ trả lãi và hoàn trả số tiền vay (mệnh giá trái phiếu) vào ngày đáo hạn. Nhà đầu tư cũng nhận được lãi suất (coupon) định kỳ trong suốt thời gian trái phiếu còn hiệu lực. Trái phiếu chính phủ không nhất thiết phải giữ đến khi đáo hạn. Nhà đầu tư có thể bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp
Ví dụ:
Nếu bạn mua trái phiếu chính phủ với mệnh giá 1 triệu đồng và lãi suất 5% mỗi năm, bạn sẽ nhận được 50.000 đồng mỗi năm cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Tại ngày mà trái phiếu đáo hạn, bạn sẽ nhận lại được 1triệu đồng.
Lợi ích và rủi ro của trái phiếu chính phủ
Lợi ích
- An toàn và ổn định: Trái phiếu nhà nước là sản phẩm tài chính được bảo đảm bởi chính phủ, do đó có độ tin cậy cao và rủi ro vỡ nợ thấp.
- Lãi suất ổn định: Loại trái phiếu này có lãi suất ổn định, ít thay đổi trong suốt thời gian nắm giữ trái phiếu, nên nhà đầu tư dễ dàng dự đoán lợi nhuận.
- Khả năng thanh khoản tốt: Trái phiếu chính phủ có thể dễ dàng chuyển nhượng qua sàn giao dịch, sang tay hoặc bán lại cho các tổ chức tài chính, ngân hàng. Vì thế các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng trái phiếu Chính phủ như một công cụ an toàn nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư; phân bổ dòng tiền và giảm rủi ro nếu nền kinh tế không ổn định.
Rủi ro
- Rủi ro lãi suất: Khi lãi suất thị trường tăng, giá trị của trái phiếu chính phủ có thể giảm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nếu họ quyết định bán trái phiếu trước khi đáo hạn.
- Rủi ro thanh khoản: Trái phiếu chính phủ thường không có khả năng bán lại trước hạn. Vì vậy nếu nhà đầu tư cần tiền gấp, việc bán trái phiếu trước hạn có thể làm giảm giá trị.
- Rủi ro thị trường: Tương tự các loại trái phiếu khác, trái phiếu Chính phủ cũng không được miễn nhiễm với những biến động thị trường đột ngột và các rủi ro vĩ mô như suy thoái kinh tế, thay đổi trong chính sách tài khóa, hoặc tình hình thế giới bất ổn.
- Rủi ro tín dụng: Trái phiếu nhà nước được phát hành dựa trên sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khả năng thanh toán của chính phủ. Nếu tình hình tài chính của chính phủ xấu đi, hoặc có dấu hiệu không tin cậy như giảm xếp hạng tín dụng hoặc tăng nợ công, rủi ro tín dụng sẽ tăng lên.
- Rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái: Việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ sử dụng đồng tiền quốc gia. Do đó giá trị trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, nếu đồng tiền quốc gia giảm giá so với đồng tiền quốc tế.