Trắc nghiệm DISC là gì? Bạn thuộc nhóm nào?
Bạn làm trong ngành nhân sự và đang tìm công cụ đánh giá ứng viên của mình thuộc nhóm tính cách nào để đánh giá mức độ phù hợp với công việc? Bạn muốn đánh giá tính cách người đối diện thuộc nhóm người nào giúp cuộc giao tiếp trở nên thoải mái hơn? Hãy thử tìm hiểu mô hình DISC nhé.
1. DISC là gì?
DISC là từ viết tắt của Dominance (thống trị) – Influence (ảnh hưởng) – Steadiness (kiên định) – Compliance (Tuân thủ). Trắc nghiệm DISC là loại trắc nghiệm được xây dựng và phát triển bởi nhà tâm lý học Walter Vernon Clarke dùng để đánh giá hành vi, tính cách và đặc điểm nổi bật của con người.
Dựa trên biểu đồ DISC, chúng ta có thể biết được tính cách của người đối diện thông qua hành vi của họ. Điều này góp phần tạo nên sự hiệu quả trong giao tiếp và khiến cuộc nói chuyện trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
Trắc nghiệm DISC là một trong những công cụ hữu ích nhất được các công ty và tổ chức sử dụng hiện nay. Người làm bài đánh giá sẽ hoàn thành một bảng câu hỏi bao gồm từ 24 đến 28 câu. Mỗi câu hỏi bao gồm 4 tính từ được trích ra từ nghiên cứu ban đầu của Marston. Bằng cách hiểu được khả năng dự đoán của giao tiếp và hành vi của con người, các nhà tuyển dụng có thể hiểu hơn về nhân viên của mình và hướng họ đến những môi trường tiềm năng để có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân.
Làm bài trắc nghiệm tính cách DISC tại đây
2. Nguồn gốc hình thành DISC
Trắc nghiệm tính cách DISC thực tế xuất phát từ lý thuyết DISC của một nhà tâm lý học, luật sư tên William Moulton Marston (Charles Moulton). Sau quá trình nghiên cứu về cảm xúc con người, ông đã phát hiện ra rằng mọi người thể hiện cảm xúc của họ thông qua 4 loại hành vi: thống trị (D), ảnh hưởng (I), kiên định (S) và tuân thủ (C).
Đến năm 1956, Walter Clarke – một nhà tâm lý học đã xây dựng các bài test trắc nghiệm tính cách dựa trên nghiên cứu, lý thuyết về mô hình DISC của Charles Moulton. Cụ thể, ông đã đưa ra một danh sách các tính từ để yêu cầu mọi người chỉ ra những từ nào mô tả đúng nhất về bản thân họ. Đánh giá này được tạo ra nhằm đem vào sử dụng trong trường hợp các doanh nghiệp cần hỗ trợ lựa chọn nhân viên có trình độ.
Sau 9 năm nghiên cứu, Walter Clarke cùng 2 người khác là Merenda và Peter F. tiếp tục công bố phát hiện về một công cụ mới là bài test “tự mô tả”, giúp hỗ trợ cho DISC. Và từ đó DISC được sử dụng để xác định một cá nhân phản ứng, hành động như thế nào khi gặp các vấn đề trong công việc, cuộc sống.
3. Các nhóm tính cách DISC
Dominance – Nhóm người thủ lĩnh
Người thuộc nhóm thủ lĩnh là người mạnh mẽ, tự tin, và luôn tiếp cận với vấn đề theo cách trực tiếp. Họ chấp nhận thử thách và luôn có động lực cạnh tranh để đạt được mục tiêu. Người thuộc nhóm D thường làm những công việc có tính sáng tạo, truyền cảm hứng hoặc định hướng phát triển.
Điểm trừ của người thuộc nhóm tính cách này là bị giới hạn bởi sự vô tâm, thiếu kiên nhẫn, hoài nghi, đôi khi dễ tổn thương. Do đó, khi giao tiếp với người thuộc nhóm D thì bạn nên giải thích ngắn gọn, cho thấy mục đích sau cùng và tập trung vào các giải pháp thay vì đưa ra các vấn đề.
Mục tiêu của người nhóm thủ lĩnh:
- Đạt được mục tiêu xuất sắc
- Làm việc độc lập, chủ động
- Luôn hướng đến những cơ hội mới
- Muốn kiểm soát những người đối diện
Khó khăn của người nhóm thủ lĩnh:
- Thể hiện sự kiên nhẫn
- Làm việc với những tiểu tiết
Nghề nghiệp phù hợp:
- Nhà phát triển/định hướng phát triển
- Người truyền cảm hứng
- Người sáng tạo
Influence – Nhóm người tạo ảnh hưởng
Người thuộc nhóm I (tạo sự ảnh hưởng) thường là người ấm áp, nhiệt tình, luôn lạc quan và có sức thuyết phục người khác. Phong cách làm việc của những người này luôn thể hiện sự nhiệt tình, hợp tác.
Điểm trừ của người tạo ảnh hưởng là quá quan tâm đến sự công nhận của xã hội. Do đó, họ thường sợ bị mất tầm ảnh hưởng, bị từ chối hay bỏ qua. Ngoài ra, nhóm người này cũng bị giới hạn bởi sự thiếu tổ chức hoặc làm việc bốc đồng.
Khi giao tiếp với người nhóm này, bạn nên chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân, cho họ có thời gian để đặt câu hỏi, trò chuyện. Bạn cũng nên tập trung vào những điều tích cực, không đưa ra những vấn đề không cần thiết.
Mục tiêu của người nhóm tạo ảnh hưởng:
- Đạt được chiến thắng bằng sự tinh tế
- Có mối quan hệ bạn bè tốt đẹp, hạnh phúc
- Đạt được sự nổi tiếng, có uy tín trong cộng đồng
Khó khăn của người nhóm tạo ảnh hưởng:
- Nói chuyện trực tiếp, thẳng thắn
- Tập trung trong thời gian dài
- Bị kiểm soát
Nghề nghiệp phù hợp:
- Thẩm định viên
- Người quảng bá
- Người thuyết phục
Steadiness – Nhóm người kiên định
Người thuộc nhóm S là người kiên nhẫn, bình tĩnh và có thể lường trước sự việc, nhất quán và ổn định. Họ thường chú trọng tới sự tin cậy, hợp tác và chân thành. Họ tìm động lực thúc đẩy từ sự cộng tác, phối hợp.
Tuy nhiên, những người nhóm này thường bị giới hạn bởi sự thiếu quyết đoán, sợ thay đổi, sợ mất đi sự ổn định hay bị xúc phạm. Bởi vậy, khi giao tiếp với người kiên định, bạn nên thể hiện sự quan tâm, cho họ thấy những gì bạn mong đợi từ họ.
Mục tiêu của người nhóm kiên định:
- Đạt được những thành tích cá nhân
- Nhận được sự ủng hộ từ một nhóm người
- Làm việc trong môi trường không có sự thay đổi
Khó khăn của người nhóm kiên định:
- Thích ứng với môi trường nhiều thay đổi/mục tiêu không rõ ràng.
- Phải làm nhiều việc cùng lúc
- Phải cạnh tranh, đối đầu với người khác
Nghề nghiệp phù hợp:
- Chuyên gia
- Nhân viên điều tra
Compliance – Nhóm người tuân thủ Compliance
Người thuộc nhóm C biết cách ngoại giao, tính cách thận trọng, cẩn thận và làm việc 1 cách có hệ thống. Họ thường chú trọng vào độ chính xác, chất lượng, năng lực và chuyên môn cá nhân. Những người này tìm kiếm động lực từ nhiều cơ hội để đạt được kiến thức, giúp họ thể hiện chuyên môn và tạo ra sản phẩm chất lượng.
Điểm trừ của nhóm C là đôi khi họ lại bị giới hạn bởi việc bị quá tải hoặc bản thân bị cô lập, những lời chỉ trích, sai lầm. Khi giao tiếp với những người này, bạn nên tập trung vào vấn đề, các chi tiết, giảm thiểu tối đa ngôn ngữ xúc phạm hay thiếu kiên nhẫn.
Mục tiêu của người nhóm tuân thủ:
- Quy trình làm việc khách quan, độ chính xác cao
- Phong thái ổn định, tin cậy
- Có kiến thức chuyên môn
- Phát triển cá nhân
Khó khăn của người nhóm tuân thủ:
- Để công việc dở dang
- Thỏa hiệp vì lợi ích của nhóm
- Đưa ra các quyết định nhanh chóng
- Tham gia sự kiện xã hội
Nghề nghiệp phù hợp
- Nhà tư tưởng khách quan
- Nhà nghiên cứu
4. Tìm hiểu 12 nhóm tính cách kết hợp của DISC
Từ 4 nhóm tính cách bên trên có thể chia thành 12 nhóm tính cách kết hợp như sau:
- Người thách thức (DC): họ không thích sự gây rối, quyết đoán và thích việc hoàn thành công việc. Họ thấy thoải mái nhất khi ở vị trí thống lĩnh, dẫn dắt đội nhóm.
- Người chiến thắng (D): là kiểu người thống trị, quyết định thường được đưa ra ngay từ đầu, tập trung vào truyền cảm hứng. Họ có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi
- Người tìm kiếm (DI): là người tiên phong, họ hạnh phúc nếu đạt được thành công từ khó khăn. Nhóm người này sẽ thất vọng nếu họ nghỉ ngơi trên chiến thắng và có xu hướng thúc đẩy mọi người sáng tạo.
- Người chấp nhận rủi ro (ID): họ tràn đầy ý tưởng mới, có những bước nhảy táo bạo trong cuộc sống. Họ chấp nhận khám phá những ý tưởng từ các cấp bậc ở mức cơ bản.
- Người Nhiệt tình (I): họ quan tâm đến hoạt động và con người xung quanh, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Nhóm người này thường được rất nhiều người quý mến.
- Người Bạn (IS): người luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng cảm với bạn bè, đồng nghiệp. Họ tự tin, dễ gần và thường làm việc ở vị trí trung tâm của nhóm.
- Người cộng tác (SI): là người kết nối tập thể, biết đồng cảm, lắng nghe người khác giúp họ tập hợp được mọi người làm việc nhóm hiệu quả.
- Người Hòa giải (S): người được tin tưởng để kéo gần khoảng cách và giải quyết mâu thuẫn giữa mọi người.
- Kỹ thuật viên (SC): không bắt buộc giỏi về công nghệ nhưng họ rất logic và am hiểu các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Người làm nền tảng (CS): là người rất đáng tin cậy, họ tránh được xung đột nhưng không chối bỏ trách nhiệm của mình.
- Nhà phân tích (C): người nhóm này dễ bị quyến rũ bởi những chi tiết. Họ có thể bỏ quên thời gian để tìm kiếm sự hoàn hảo.
- Người cầu toàn (CD): là nhóm người có định hướng khá chi tiết và quyết đoán.
5. Cách đọc biểu đồ DISC
Khi hoàn thành bài trắc nghiệm DISC, kết quả sẽ trả về 3 biểu đồ. Mỗi biểu đồ được trả về mô tả một mặt cụ thể của người làm trắc nghiệm:
- Biểu đồ nội: mô tả tính cách “bên trong” và cách bạn thể hiện bản thân khi cảm thấy thoải mái. Nó cũng chỉ ra mức độ áp lực và sự hạn chế bạn có thể gặp.
- Biểu đồ ngoại: mô tả những hành vi cá nhân của bạn để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Biểu đồ này có thể thay đổi theo thời gian, theo môi trường xung quanh bạn hoặc sự ảnh hưởng của những sự kiện lớn như thay đổi công việc, địa điểm sống,…
- Biểu đồ tóm tắt: từ việc kết hợp thông tin của hai biểu đồ nội và biểu đồ ngoại để đưa ra những quan điểm, đánh giá về hành vi thực tế mà bạn có thể sẽ thực hiện.
6. Tầm quan trọng của trắc nghiệm DISC
Đối với cá nhân
Bằng cách làm trắc nghiệm DISC, bạn sẽ có thể:
- Nâng cao nhận thức về bản thân và năng lực, sở thích của mình
- Nắm được cách bạn sẽ phản ứng khi có mâu thuẫn, xung đột
- Hiểu được điều gì giúp bạn có động lực
- Biết được lý do khiến bạn căng thẳng
- Biết được cách bạn tiếp cận và giải quyết các vấn đề
- Khám phá cách bạn đưa ra những quyết định cho các tình huống khác nhau
- Biết hướng điều chỉnh phong cách riêng của bạn sao cho hòa hợp hơn với người xung quanh
- Sẵn sàng tâm lý cho bài trắc nghiệm DISC khi đi phỏng vấn.
- Phát triển chiến lược hành động để truyền cảm hứng tương tác trong nhóm làm việc
- Đưa ra định hướng phát triển các mối quan hệ và kỹ năng lãnh đạo
- Phát triển kỹ năng kinh doanh, bán hàng nhờ biết cách điều chỉnh hành vi
- Quản lý nhân viên hiệu quả hơn trong vai trò một nhà lãnh đạo
Đối với nhà tuyển dụng
Trắc nghiệm tính cách DISC được xem là công cụ hỗ trợ bậc nhất đối với các nhà tuyển dụng vì nó giúp:
- Đánh giá chính xác về tính cách và hành vi của mỗi ứng viên.
- Chấm điểm ứng viên về khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm.
- Nhận định được khả năng thích ứng của các ứng viên với môi trường làm việc và văn hóa của công ty.
- Dự đoán được cách ứng viên phản ứng với những xung đột và mâu thuẫn có thể xảy ra.
- Xây dựng được môi trường làm việc thân thiện, gắn kết và lành mạnh.
7. Lưu ý trước khi làm bài trắc nghiệm DISC
- Kết quả trắc nghiệm tính cách DISC nói riêng cũng như các bài kiểm tra trắc nghiệm tâm lý khác nói chung đều sẽ chỉ mang tính chất tương đối.
- Độ tuổi trên 20 khi làm trắc nghiệm DISC sẽ thu được kết quả chính xác hơn so với những độ tuổi nhỏ hơn.
- Chuẩn bị thiết bị có kết nối internet, dành ra thời gian đủ để đọc kỹ câu hỏi và đưa ra đáp án.
- Tập trung và đưa ra câu trả lời trung thực nhất.
- Giữ tính khách quan đối với bài trắc nghiệm DISC, không chọn đáp án với suy nghĩ “có vẻ sẽ tốt hơn”.
- Chỉ nên làm 1 bài trắc nghiệm DISC trong một ngày để tránh kết quả sẽ sai lệch.
- Khách quan với kết quả test và bao dung với bản thân. Trắc nghiệm DISC chỉ phản ánh cách mà bạn sẽ phản ứng với môi trường và xu hướng hành vi của bạn, nó không thể hiện việc bạn hơn hay thua người khác.
Tuy DISC không hề đơn giản, nhưng nó đem lại nhiều lợi ích trong tuyển dụng và quản lý nhân sự. Đặc biệt cá nhân có thể áp dụng những thông tin hữu ích từ biểu đồ DISC vào chính môi trường làm việc thực tế của mình để nâng cao hiệu quả làm việc.
Thông qua việc đọc vị tính cách của đồng nghiệp, đối tác, cộng sự, các cá nhân có thể đưa ra cách ứng xử và giao tiếp phù hợp và linh hoạt để quá trình và các mục tiêu của mình trong công việc đạt được một cách suôn sẻ và thuận lợi.