Tăng trưởng kinh tế là gì?
Tăng trưởng kinh tế phản ánh sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng giúp cải thiện mức sống, giảm nghèo đói, và thúc đẩy đầu tư, việc làm, cũng như tiến bộ xã hội. Hãy cùng lagiweb tìm hiểu về qua bài viết dưới đây nhé.
Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về quy mô và giá trị của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, thường được đo lường thông qua các chỉ số như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) theo giá trị thực, tức là đã điều chỉnh lạm phát.
Tăng trưởng kinh tế thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế, sự cải thiện năng suất, và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
- Tính dài hạn: Tăng trưởng bền vững yêu cầu sự gia tăng liên tục và không chỉ tập trung vào kết quả ngắn hạn.
- Cân bằng: Đảm bảo sự phân phối hợp lý giữa các khu vực, ngành nghề, và dân cư để tránh mất cân đối xã hội.
Các loại tăng trưởng kinh tế
- Tăng trưởng rộng (Extensive Growth): Dựa trên việc gia tăng các yếu tố sản xuất như lao động và vốn mà không cải thiện hiệu suất.
- Tăng trưởng sâu (Intensive Growth): Dựa vào cải thiện năng suất thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng lao động và tối ưu hóa nguồn lực.
Mô hình tăng trưởng kinh tế.
Mô hình tăng trưởng kinh tế là các lý thuyết hoặc khung phân tích được sử dụng để giải thích cách nền kinh tế phát triển theo thời gian, bao gồm các yếu tố quyết định và động lực của tăng trưởng kinh tế. Mô hình này cung cấp nền tảng để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Các loại mô hình tăng trưởng kinh tế
- Mô hình tăng trưởng cổ điển (Classical Growth Models): Nhấn mạnh vào vai trò của đất đai, lao động và vốn trong sản xuất.
Mô hình Harrod-Domar (1940s)- Tập trung vào mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Điểm nhấn: Tăng trưởng phụ thuộc vào tỷ lệ tiết kiệm và hiệu suất của vốn đầu tư.
- Mô hình tăng trưởng tân cổ điển (Neoclassical Growth Models)
Yếu tố cốt lõi: Lao động, vốn và tiến bộ công nghệ.
Đặc điểm:
- Tăng trưởng dài hạn chủ yếu do tiến bộ công nghệ.
- Sự giảm dần hiệu quả biên của vốn đầu tư.
- Mô hình tăng trưởng nội sinh (Endogenous Growth Models)- Phát triển bởi các nhà kinh tế như Paul Romer và Robert Lucas.
Nhấn mạnh vai trò của nội lực trong nền kinh tế (như đổi mới, giáo dục, và đầu tư vào nghiên cứu phát triển – R&D).
Đặc điểm:
- Tăng trưởng có thể duy trì vô hạn nếu cải thiện năng suất và công nghệ liên tục.
- Chính sách công có vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Yếu tố con người
Có thể nói yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Con người có trình độ chuyên môn cao, có ý thức tự giác, tác phong làm việc công nghiệp, thái độ làm việc nghiêm túc sẽ tạo ra năng suất lao động cao trong hoạt động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm sử dụng và xuất khẩu, mang lại ngoại tệ cho đất nước… Trên thực tế, quốc gia nào, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào có đội ngũ người lao động có chuyên môn cao, ý thức làm việc nghiêm túc, tự giác… sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn, đem lại nguồn thu ngày càng tăng cho quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức đó.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực lao động là một nguồn lực quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình sản xuất kinh doanh
của một quốc gia, một doanh nghiệp và tổ chức kinh tế… Nguồn nhân lực có số lượng và chất lượng cao sẽ giúp cho việc vận hành các dây chuyền sản xuất đạt hiệu quả tốt, năng suất lao động cao…
Yếu tố vốn
Vốn là một trong những yếu tố có tác động quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia, doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế muốn tăng trưởng kinh tế thì cần phải có nguồn lực về vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất để tạo ra năng suất lao động cao, tăng số lượng và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.
Yếu tố về tài nguyên
Tài nguyên là một trong những nhân tố có thể tạo thêm nhiều thuận lợi, lợi thế cho một quốc gia trong việc tăng trưởng kinh tế.
Tạo điều kiện cho quốc gia đó chủ động sử dụng nguồn tài nguyên này phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu mà không phải bỏ ra ngoại tệ để nhập khẩu tài nguyên.
Có nhiều loại tài nguyên khoáng sản như than đá, than nâu, cao lanh với trữ lượng khá lớn; có nơi có nhiều dầu mỏ, quặng quý hiếm…, có nơi lại có những danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng; có nơi có tài nguyên biển phong phú, có đường bờ biển dài, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biến và thủy sản.
Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể
Đem lại tiềm năng to lớn để phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung… Lợi thế này, giúp cho quốc gia đó tiết kiệm chi phí ngoại tệ mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Qua đó gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ tạo ra năng suất lao động cao hơn nhiều lần; hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt cao hơn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Công nghệ phát triển ngày càng nhanh chóng, như công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ vât liệu mới… góp phần tạo ra năng suất lao động tăng cao, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tốt hơn… Trong thời đại ngày nay, yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ là điều kiện quan trọng hàng đầu để tăng trưởng kinh tế.
Yếu tố tác động của hội nhập quốc tế
Đặc trưng chủ yếu của hội nhập quốc tế là mở rộng không gian hợp tác toàn cầu về kinh tế, chính trị, thương mại và phân công lao động. Từ việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, giúp cho việc tăng cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chính điều này có tác động rất lớn đến các hoạt động phối hợp, liên kết giữa các địa phương các ngành kinh tế.
Yếu tố về chính sách quản lý của Nhà nước
Chức năng quan trọng của Nhà nước là quản lý vĩ mô nền kinh tế- xã hội. Theo đó, Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách quản lý vĩ mô nền kinh tế – xã hội. Pháp luật, các chính sách tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả; đảm bảo cho sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong sản xuất, xuất khẩu.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
Tăng trưởng là điều kiện cần nhưng không đủ để phát triển:
- Tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều nguồn lực hơn (như ngân sách từ thuế), từ đó nhà nước có thể đầu tư vào y tế, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác.
- Tăng trưởng chỉ tập trung vào chỉ số GDP mà không phản ánh sự phân phối lợi ích, chất lượng cuộc sống hay sự bền vững của môi trường.
Phát triển kinh tế bao hàm tăng trưởng kinh tế:
- Một quốc gia phát triển bền vững cần có nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
- Phát triển còn đòi hỏi việc phân bổ công bằng tài nguyên, giảm nghèo, và cải thiện chất lượng sống.
Ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế là gì?
- Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thể hiện sự tăng lên về số lượng và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố sản xuất ra nó. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế là tiền đề cho việc xóa đói, giảm nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
- Thứ hai, tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra cho người dân tăng mức thu nhập, tăng phúc lợi xã hội; chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn; sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt hơn, công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
- Thứ ba, tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ người thất nghiệp. Có thể nói, tăng trưởng kinh tế có quan hệ ngược chiều với thất nghiệp. Khi tăng trưởng kinh tế càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng giảm và ngược lại.
- Thứ tư, tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề vật chất cho việc cung cấp nguồn lực củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững nền tảng chính trị. Nâng cao uy tín của Nhà nước đối với xã hội.
- Thứ năm, tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo cho một quốc gia khắc phục sự tụt hậu về kinh tế so với những cường quốc trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố khách quan và chủ quan như: yếu tố con người; yếu tố số lượng người lao động; yếu tố vốn; yếu tố tài nguyên; yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ; yếu tố tác động của hội nhập quốc tế; yếu tố về chính sách quản lý của Nhà nước…