Tài sản cố định (Fixed Assets) là gì?
  1. Home
  2. Báo cáo Tài chính
  3. Tài sản cố định (Fixed Assets) là gì?
Lê Thu Thảo 2 ngày trước

Tài sản cố định (Fixed Assets) là gì?

 Báo cáo tài chính là một bức tranh tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong bức tranh đó, tài sản cố định đóng vai trò như một mảnh ghép quan trọng. Không chỉ là những tài sản vật chất hữu hình, tài sản cố định còn phản ánh năng lực sản xuất, quy mô hoạt động và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Việc phân tích tài sản cố định giúp nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp và các nhà phân tích tài chính đánh giá một cách khách quan về sức khỏe tài chính và triển vọng tương lai của doanh nghiệp.

Tài sản cố định (Fixed Assets) là gì?

Tài sản cố định là tất cả những tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi trên 1 năm hoặc trên 1 chu kỳ kinh doanh (nếu chu kỳ kinh doanh lớn hơn hoặc bằng 1 năm).

Một tài sản cố định phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn :

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó: Lợi ích kinh tế do tài sản mang lại được biểu hiện ở việc tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi doanh nghiệp kiểm soát và sử dụng một tài sản nào đó.
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên: tiêu chuẩn này nhằm cụ thể hóa tiêu chuẩn thứ nhất của Tài sản cố định. Lợi ích kinh tế trong tương lai do việc sử dụng TSCĐ không phải là trong 1 năm tài chính mà ít nhất là 2 năm.
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và theo chế độ tài chính Việt Nam hiện hành, TSCĐ phải có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên.

Đặc điểm của Fixed Assets

– Tài sản cố định tham gia nhiều quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

– Giá trị tài sản cố định được luân chuyển dần từng phần vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

– Tài sản cố định không thay đổi hình thái biểu hiện ban đầu cho đến khi bị hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của tài sản cố định bị giảm đi do hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Trong đó:

  • Hao mòn hữu hình: là sự hao mòn về mặt vật chất, về giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định trong quá trình sử dụng. Nguyên nhân của hao mòn hữu hình trước hết là do thời gian, cường độ sử dụng tài sản cố định; việc chấp hành qui trình trong sử dụng và bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định…
  • Hao mòn vô hình: là sự giảm sút thuần túy về giá trị của tài sản cố địn, biểu hiện ở sự giảm sút giá trị trao đổi của tài sản cố định do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học – kĩ thuật và công nghệ sản xuất.

Các loại Tài sản cố định

Theo hình thái biểu hiện, tài sản cố định được chia thành hai loại chính là tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.

Tài sản hữu hình – Tangible assets

Tài sản cố định hữu hình là những tài sản cố định có hình thái vật chất và có thể được phân loại thành nhiều nhóm, bao gồm:

  • Nhà cửa, vật kiến trúc (Buildings): bao gồm trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, và các công trình khác.
  • Máy móc, thiết bị (Machinery, Equipment): bao gồm máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, giàn khoan, dây chuyền công nghệ và các thiết bị khác.
  • Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn (Vehicles): bao gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống thông tin, hệ thống điện, băng tải.
  • Thiết bị, dụng cụ quản lý (Furniture): bao gồm máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm và các thiết bị khác sử dụng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm (Land, animals): bao gồm các loại vườn cây lâu năm như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su, vườn cây ăn quả và các loại súc vật như đàn trâu, đàn bò, v.v.
  • Các loại tài sản cố định khác (Others): bao gồm các tài sản cố định khác chưa được liệt kê vào 5 loại trên, như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật, và các loại tài sản khác.

Tài sản cố định vô hình – Intangible assets

Các tài sản cố định vô hình là những tài sản cố định không có hình thức vật chất.

  • Chúng đại diện cho một giá trị đã được đầu tư (đáp ứng tiêu chuẩn giá trị TSCĐ) để mang lại lợi ích kinh tế dài hạn cho doanh nghiệp trong hơn một năm.
  • Ví dụ về các tài sản này bao gồm quyền sử dụng đất, bản quyền tác giả, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa và phần mềm máy tính.

Cách tính giá tài sản cố định

Nguyên giá của tài sản cố định (TSCĐ) là giá trị thực tế của TSCĐ khi được đưa vào sử dụng trong doanh nghiệp. Nó được tính dựa trên các yếu tố sau:

Nguyên giá = GT + TP + PT + LV – TK – CM – TH

Trong đó:

  • Giá trị thanh toán cho người bán tài sản (GT).
  • Thuế, phí, lệ phí phải nộp cho Nhà nước ngoài giá mua (TP), ví dụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, vv.
  • Phí tổn trước khi sử dụng, bao gồm vận chuyển, lắp đặt, chạy thử, vv. (PT)
  • Lãi tiền vay phải trả trước khi đưa TSCĐ vào sử dụng (LV)
  • Thuế hoặc phí tổn được hoàn lại (TK)
  • Chiết khấu thương mại hoặc giảm giá được hưởng (CM)
  • Giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ thu được khi chạy thử (TH)

Nguyên giá của TSCĐ có tính ổn định cao và chỉ thay đổi trong các trường hợp sau:

  • Đánh giá lại TSCĐ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp hoặc dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
  • Thực hiện nâng cấp TSCĐ, chi phí này sẽ được bổ sung vào nguyên giá cũ để xác định lại nguyên giá mới của nó.
  • Tháo dỡ một hoặc một số bộ phận của TSCĐ, khi đó giá trị của bộ phận tháo ra sẽ được trừ vào nguyên giá của TSCĐ.

Cách tính khấu hao tài sản cố định

Tài sản cố định sẽ giảm giá trị theo thời gian do sử dụng, mòn rách hoặc lỗi thời. Khấu hao giúp phản ánh sự giảm giá trị này trên báo cáo tài chính.

  • Tính toán lợi nhuận chính xác: Bằng cách trừ đi khoản khấu hao, chúng ta có thể tính toán lợi nhuận một cách chính xác hơn.
  • Quy định của pháp luật: Các quy định kế toán yêu cầu doanh nghiệp phải khấu hao tài sản cố định.

Các phương pháp khấu hao phổ biến

  • Phương pháp đường thẳng: Đây là phương pháp đơn giản nhất, chia đều giá trị khấu hao của tài sản trong suốt thời gian sử dụng.
  • Phương pháp số dư giảm dần: Phương pháp này cho phép khấu hao nhiều hơn trong những năm đầu và ít hơn trong những năm cuối.
  • Phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh: Là sự kết hợp giữa hai phương pháp trên, giúp phản ánh chính xác hơn quá trình hao mòn của tài sản.

Công thức tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng:

Mức khấu hao hàng năm= (Giá trị gốc của tài sản – Giá trị thanh lý) / Thời gian sử dụng dự kiến
Mức khấu hao hàng tháng= Mức khấu hao hàng năm / 12

Ví dụ: Một máy móc có giá trị gốc 100 triệu đồng, thời gian sử dụng dự kiến là 5 năm và không có giá trị thanh lý. Mức khấu hao hàng năm sẽ là: (100.000.000 – 0) / 5 = 20.000.000 đồng.

Tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản

Tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản cho biết phần trăm tài sản cố định so với tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Tỷ lệ này phản ánh cấu trúc tài sản của doanh nghiệp và có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá:

  • Khả năng sinh lời: Một tỷ lệ tài sản cố định cao thường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đầu tư nhiều vào sản xuất, có thể dẫn đến chi phí cố định cao và ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.

  • Khả năng thích ứng: Doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản cố định cao thường ít linh hoạt hơn trong việc thay đổi quy mô hoạt động hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh mới.
  • Rủi ro: Tài sản cố định thường khó thanh lý nhanh chóng, vì vậy một tỷ lệ tài sản cố định cao có thể làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
  • Mức độ trưởng thành: Doanh nghiệp ở giai đoạn đầu thường có tỷ lệ tài sản cố định thấp hơn so với các doanh nghiệp đã ổn định.

Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào ngành nghề:

  • Ngành sản xuất: Tỷ lệ tài sản cố định thường cao do cần đầu tư nhiều vào máy móc, nhà xưởng.
  • Ngành dịch vụ: Tỷ lệ tài sản cố định thường thấp hơn, vì tài sản chủ yếu là tài sản vô hình như thương hiệu, bản quyền.

Kết luận

Tài sản cố định là một phần không thể thiếu trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. Bằng cách hiểu rõ về tài sản cố định, chúng ta có thể đánh giá được khả năng sinh lời, cấu trúc tài sản và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

0 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar