Tài chính doanh nghiệp( Corporate finance) là gì?
Tài chính doanh nghiệp, một khái niệm quen thuộc với bất kỳ nhà quản lý nào, là huyết mạch nuôi sống và phát triển mọi doanh nghiệp. Đó là toàn bộ hoạt động liên quan đến việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Tài chính doanh nghiệp không chỉ là con số trên bảng cân đối kế toán mà còn là quyết định chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp là một hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình doanh nghiệp tạo lập, phân phối nguồn tài chính và tiền tệ.
Về bản chất, tài chính doanh nghiệp chỉ các hoạt động liên quan đến hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp, bắt đầu từ khâu huy động vốn đến sử dụng nguồn vốn vào quy trình sản xuất, kinh doanh.
Đặc trưng cơ bản của TCDN
- Hoạt động tài chính doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hoạt động tài chính của doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn trong mỗi doanh nghiệp.
- Hoạt động tài chính của doanh nghiệp bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận: Mọi kế hoạch tài chính, hoạt động tài chính đều được thực hiện với mục đích cuối cùng là lợi nhuận.
- Hoạt động tài chính doanh nghiệp cần đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật trong tất cả mọi khâu, mọi quy trình.
Nội dung của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp thường bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Lập kế hoạch đầu tư: Nhà quản trị cần tìm kiếm các cơ hội đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận, lên kế hoạch chi tiêu, dự tính doanh thu, lợi nhuận, các rủi ro có thể xảy ra,…
– Quyết định đầu tư: Căn cứ vào quá trình hoạch định, dự toán vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư, nhà quản trị đưa ra quyết định đầu tư.
– Xác định nhu cầu vốn, huy động vốn: Căn cứ trên kết cấu nguồn vốn, hình thức huy động, ưu và nhược điểm của từng hình thức huy động, chi phí sử dụng nguồn vốn,…
– Theo dõi và quản lý chặt chẽ nguồn vốn, các khoản thu, chi để đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
– Phân phối lợi nhuận, lập và sử dụng các quỹ doanh nghiệp.
– Kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ số: Tình hình thu, chi, báo cáo tài chính,… nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và đưa ra các quyết định trong hoạt động tài chính và kinh doanh.
– Triển khai kế hoạch tài chính doanh nghiệp: Cụ thể hóa bằng các quyết định liên quan đến tài chính doanh nghiệp, các quyết định tài chính chiến lược như quyết định đầu tư, vay vốn, huy động vốn hay phân chia lợi nhuận (chi trả cổ tức đối với công ty cổ phần).
Các nguyên tắc cơ bản của tài chính doanh nghiệp
Đây là những nguyên tắc định hướng cho các quyết định tài chính nhằm tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp và đảm bảo sự bền vững tài chính.
Tối đa hóa giá trị doanh nghiệp
- Mục tiêu chính của tài chính doanh nghiệp là tối đa hóa giá trị của cổ đông, tức là tăng giá trị vốn chủ sở hữu.
- Điều này không chỉ bao gồm việc tạo ra lợi nhuận, mà còn phải cân nhắc các yếu tố rủi ro, thời gian và tính bền vững trong dài hạn.
Quy tắc giá trị thời gian của tiền (Time Value of Money)
Một đồng tiền có giá trị hơn khi sở hữu hôm nay so với trong tương lai do khả năng sinh lời (lãi suất) hoặc cơ hội đầu tư khác.
Nguyên tắc đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận (Risk and Return Tradeoff)
- Mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận là trực tiếp. Cơ hội mang lại lợi nhuận cao thường đi kèm với mức độ rủi ro lớn.
- Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng mức rủi ro mà mình có thể chấp nhận được trong các quyết định đầu tư hay vay vốn.
Cấu trúc vốn tối ưu (Optimal Capital Structure)
- Tài trợ doanh nghiệp có thể từ vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay. Cấu trúc vốn tối ưu là sự kết hợp giữa hai nguồn này để giảm chi phí vốn tổng thể và tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp.
- Cân nhắc: Dùng nợ vay nhiều sẽ gia tăng rủi ro tài chính nhưng có thể giảm chi phí thuế do lợi thế lãi suất vay.
Quản lý dòng tiền (Cash Flow Management)
- Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể lợi nhuận cao nhưng vẫn phá sản nếu dòng tiền không được quản lý tốt.
- Ưu tiên: Đảm bảo dòng tiền hoạt động đủ để chi trả các khoản nợ, lương, và chi phí vận hành trước khi đầu tư thêm.
Ra quyết định dựa trên thông tin (Informed Decision Making)
- Các quyết định tài chính nên dựa trên dữ liệu, phân tích tài chính và dự đoán thị trường thay vì cảm tính.
- Áp dụng: Sử dụng các công cụ tài chính như phân tích tỷ lệ, dự báo dòng tiền, và phân tích SWOT để hỗ trợ ra quyết định.
Hiệu quả sử dụng tài sản (Asset Efficiency)
- Doanh nghiệp cần tối ưu hóa việc sử dụng tài sản để đạt hiệu quả cao nhất, giảm chi phí và tăng năng suất.
- Đo lường: Sử dụng các chỉ số như vòng quay tài sản hoặc tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA).
Chú trọng sự bền vững và trách nhiệm xã hội
- Các quyết định tài chính ngày nay không chỉ dựa trên lợi nhuận mà còn phải xem xét yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
- Lợi ích: Doanh nghiệp bền vững thường thu hút nhiều nhà đầu tư và khách hàng trung thành hơn.
Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt và không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Đây là công cụ để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Tăng hiệu quả và nguồn huy động vốn
Tài chính doanh nghiệp đảm bảo việc huy động vốn được diễn ra đều đặn, liên tục, duy trì tính ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Hoạt động tài chính sẽ cung cấp nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, giảm các khoản lãi vay, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận sau thuế.
Kiểm soát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp
- Tài chính doanh nghiệp được xem như “đòn bẩy” để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, ổn định hơn thông qua việc cân đối thu chi, thu hút nguồn vốn, đưa ra giá bán hàng hóa,…
- Dựa vào các hoạt động này, doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát các hoạt động đang được thực hiện hiệu quả hay không để có sự điều chỉnh kịp thời.
Các chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp
Tỷ suất lợi nhuận
Tỷ suất lợi nhuận (Return On Sales – ROS) là một chỉ số tài chính quan trọng dùng để đo lường mức độ sinh lời của doanh nghiệp.
Nó cho biết tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được so với doanh thu hoặc vốn đầu tư ban đầu là bao nhiêu.
Các loại tỷ suất lợi nhuận gộp phổ biến như:
- Tỷ suất lợi nhuận ròng (Net Profit Margin)
- Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin)
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return On Equity).
Thông qua chỉ số này, doanh nghiệp có thể hiểu được mức độ lợi nhuận và khả năng sinh lời của hoạt động kinh doanh. Để từ đó ra quyết định điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Chỉ số thanh khoản
Chỉ số thanh khoản (Liquidity Ratio) là nhóm các chỉ số tài chính quan trọng dùng để đánh giá khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp mà không cần phải huy động vốn bên ngoài.
Liquidity Ratio có rất nhiều chỉ số những nổi bật nhất và thường được các nhà đầu tư quan tâm là:
- Current Ratio (Tỷ lệ thanh toán ngắn hạn): Nếu chỉ số này lớn hơn 1 thì doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình.
Current Ratio = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
- Quick Ratio (Tỷ lệ thanh toán nhanh)
- Khi giá trị của tỷ số thanh toán này cao thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ ngắn hạn.
- Ngược lại, nếu giá trị này thấp thì tính thanh khoản của công ty đang ở mức thấp và khó có thể thanh toán được các khoản nợ ngắn hạn.
Quick Ratio = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
- Cash Ratio (Tỷ lệ tiền mặt)
- Chỉ số này cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán nghĩa vụ ngắn hạn của mình chỉ bằng tiền mặt và tương đương tiền mặt.
- Việc đánh giá Cash Ratio cần được kết hợp với các yếu tố khác bên trong bức tranh tài chính tổng thể của doanh nghiệp.
Quick Ratio = Vốn bằng tiền / Nợ phải trả ngắn hạn
Khi các chỉ số liquidity ratio của doanh nghiệp quá thấp thì cho rằng doanh nghiệp đó đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ trong năm. Tuy nhiên, nếu chỉ số này quá cao thì cung cho thấy rằng doanh nghiệp đang có quá nhiều tiền mặt và không phân bổ hiệu quả.
Chỉ số vòng quay hàng tồn kho
Hàng tồn kho là bộ phận tài sản không thể thiếu trong doanh nghiệp sản xuất cũng như thương mại.
Khi số lượng hàng tồn kho được dự trữ ở mức hợp lý:
- Doanh nghiệp có thể đảm bảo cho quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm diễn ra liên tục và hiệu quả.
- Tiết kiệm vốn mà còn đảm bảo quá trình kinh doanh không bị gián đoạn, góp phần đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Công thức tính chỉ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover) được tính theo công thức:
Vòng quay hàng tồn kho = Doanh thu bán hàng / giá trị hàng tồn kho bình quân
Chỉ số vòng quay khoản phải thu
Chỉ số vòng quay khoản phải thu (Receivables Turnover Ratio) là một chỉ số quan trọng trong tài chính doanh nghiệp nhằm đo lường khả năng quản lý và thu hồi các khoản phải thu của doanh nghiệp.
- Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá hiệu suất quản lý tín dụng và quản lý nợ của doanh nghiệp.
- Nếu chỉ số này cho ra kết quả cao thì cho thấy doanh nghiệp có khả năng quản lý và thu hồi nhanh chóng các khoản phải thu.
Chỉ số vòng quay khoản phải thu = Tổng doanh thu / Trung bình cộng của số phải thu
Kết luận
Tài chính doanh nghiệp là một lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự thành công của mọi doanh nghiệp. Việc quản lý tài chính hiệu quả giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, quản lý tài chính là một quá trình phức tạp đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Bằng việc hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản và áp dụng các công cụ quản lý tài chính hiện đại, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn và đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra.