P2P Lending là gì? Quy trình hoạt động của dịch vụ P2P Lending
Mô hình cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending) ngày càng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech), P2P Lending trở thành giải pháp kết nối trực tiếp nhà đầu tư và người vay, loại bỏ trung gian tài chính truyền thống. Hãy cùng khám phá khái niệm, cách hoạt động và lợi ích của mô hình này.
Cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending – P2P Lending) là mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp giữa người vay với người cho vay.
Đây là hình thức cho vay hiện đại, nơi người vay có thể tiếp cận vốn nhanh chóng, còn nhà đầu tư có cơ hội nhận lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường.
Ví dụ minh họa:
Người vay vốn cá nhân: Anh Nam cần 50 triệu đồng để khởi nghiệp nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Anh đăng ký trên một nền tảng P2P Lending, cung cấp thông tin về nhu cầu vay vốn và lãi suất có thể trả.
Nhà đầu tư: Chị Hoa, một nhà đầu tư nhỏ lẻ, thấy hồ sơ của anh Nam phù hợp và quyết định góp 20 triệu đồng, phần còn lại được đầu tư bởi những người khác.
Kết quả: Anh Nam nhận được khoản vay mong muốn, còn chị Hoa nhận lãi suất 10%/năm – cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.
Đặc điểm
- Là hình thức cho vay không cần gặp mặt. Người vay và người đi vay được kết nối nhờ ứng dụng công nghệ.
- Công ty cho vay đóng vai trò là trung gian, xây dựng nền tảng kết nối mọi người.
- Mọi giao dịch được thực hiện trực tuyến chỉ trong tích tắc. Với vài thao tác đăng ký, nhập thông tin đơn giản là có thể giao dịch.
- Phù hợp cho những khoản vay nhỏ, ngắn hạn với lãi suất vừa phải.
- Thời gian kiểm duyệt hồ sơ nhanh chóng, tiền về tài khoản chỉ sau 30 phút được duyệt.
Quy trình hoạt động của dịch vụ P2P Lending
Nhằm giúp việc cho vay ngang hàng thuận lợi, người đi vay và cho vay đều cần đăng ký thông tin trên ứng dụng của công ty cho vay ngang hàng. Các công ty này thường cung cấp những dịch vụ sau:
- Xác định, kiểm chứng thông tin cá nhân, nghề nghiệp và thu nhập của khách hàng.
- Đánh giá xếp hạng tín nhiệm của người di vay. Góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin người dùng tin cậy.
- Tìm kiếm và huy động thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào hệ thống.
- Quản lý và phân phối dòng tiền trong hệ thống. Xử lý thanh toán của khách đi vay và rải ngân đến khách cho vay.
Để tham gia sử dụng dịch vụ peer-to-peer lending, khách hàng cần làm theo những bước sau:
- Bước 1: Đăng ký thông tin và vị trí (đi vay hay cho vay)
- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin, bao gồm: cá nhân, hoạt động tín dụng (đối với người đi vay). Số vốn, thời gian tham gia đầu tư, lãi suất mong muốn (đối với người cho vay).
- Bước 3: Hệ thống tự động kiểm tra tính xác thực của thông tin. Sau đó phân tích và kết nối những đối tượng phù hợp với nhau.
- Bước 4: Giải ngân
- Bước 5: Thu hồi nợ và trả lãi
Các mô hình P2P Lending phổ biến
Mô hình P2P Lending trên thế giới có thể được chia thành hai loại chính, bao gồm mô hình cho vay trực tiếp và mô hình cho vay gián tiếp.
Mô hình cho vay trực tiếp
Đây là mô hình cho vay đơn giản, tương tự như các giao dịch mua bán online thông thường.
Một số mô hình cho vay trực tiếp như ZOPA (Anh), Funding Circle (Anh)…
Quy trình cho vay bao gồm việc người đi vay gửi yêu cầu vay trên nền tảng P2P Lending theo form có sẵn và người cho vay sẽ lựa chọn khoản cho vay mà họ cho là khả thi để thực hiện tài trợ.
Đặc điểm của mô hình
- Các công ty P2P Lending không phải đối mặt với rủi ro của món vay (do người cho vay là người ra quyết định về việc cho vay, dù có thể sẽ kiểm duyệt hồ sơ đề nghị vay cũng như thẩm định món vay trước khi công khai trên cổng thông tin chung).
- Các bên liên quan sẽ chuyển giao nguồn vốn cho vay trực tiếp, công ty P2P Lending tham gia vào quy trình cho vay nhằm mục đích kết nối, giúp đánh giá rủi ro và hưởng phí dịch vụ.
Mô hình P2P Lending gián tiếp
Đây là mô hình có hỗ trợ của ngân hàng thương mại (NHTM) như Prosper (Mỹ), Peerform (Mỹ)…
Việc cho vay được thực hiện trên nền tảng P2P Lending và NHTM sẽ thực hiện thanh toán bù trừ, có thể cả ứng trước vốn, mua bảo hiểm khoản vay… Trong một số trường hợp, khi khách hàng không thanh toán đúng hạn thì có bảo hiểm hoặc sử dụng quỹ dự phòng của công ty P2P Lending. Theo mô hình này, các công ty P2P Lending sẽ chuyển yêu cầu vay của người có nhu cầu đến một NHTM có liên kết.
Đặc điểm của mô hình này:
- Công ty P2P Lending trở thành trung gian giữa ngân hàng và người vay thông qua “giấy nhận nợ” . Sau đó, khi tìm được người cho vay thì công ty P2P Lending sẽ thanh toán khoản nợ này cho ngân hàng bằng tiền của người cho vay và cấp chứng nhận về món vay cho người cho vay.
- Người đi vay nhận được lợi vì có tính thanh khoản cao hơn, người đi vay không cần phải đợi người cho vay chấp nhận, cũng như có thể có thêm đảm bảo từ phía bảo hiểm, quỹ dự phòng khoản vay…
Vì vậy, mô hình gián tiếp thường phổ biến hơn mô hình trực tiếp trong thực tế triển khai.
Lợi ích khi tham gia P2P Lending.
Về thủ tục:
P2P lending có thủ tục nhanh chóng và đơn giản.
Về thu nhập/chi phí:
P2P lending tạo ra thu nhập cao hơn đối với người cho vay và tiết kiệm chi phí đối với bên thiết lập dịch vụ. Trên cơ sở sử dụng hệ thống dữ liệu phân tích lớn (Big Data) vì vậy, quá trình chấm điểm có thể được thực hiện rất nhanh cũng như cập nhật thường xuyên mà tiết kiệm chi phí.
Về thông tin:
Ở các mô hình cho vay chủ động, mức độ minh bạch thông tin cao, người cho vay được trực tiếp tham chiếu các thông tin liên quan đến người cho vay kể cả trước khi cho vay và giám sát mục đích sử dụng tiền vay.
P2P lending tạo ra thêm các kênh đầu tư trên thị trường
Đây là cơ hội đa dạng hoá danh mục cho các nhà đầu tư và san sẻ rủi ro. Bên cạnh đó, việc chủ động lựa chọn kênh đầu tư với quy mô và thời hạn khác nhau cũng là cách tối đa hoá lợi ích cho nhà đầu tư khi tránh được rủi ro khe hở kỳ hạn.