Ngành Chip bán dẫn là gì? Vì sao nên chọn ngành Chip bán dẫn?
  1. Home
  2. Hành trang nghề nghiệp
  3. Ngành Chip bán dẫn là gì? Vì sao nên chọn ngành Chip bán dẫn?
Vũ Lê Tuấn 2 tháng trước

Ngành Chip bán dẫn là gì? Vì sao nên chọn ngành Chip bán dẫn?

Ngành Chip bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất các thiết bị điện tử hiện đại thông qua việc cung cấp các linh kiện bán dẫn thiết yếu như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu…Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã thu hút nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Vậy ngành chip bán dẫn là gì? Vì sao nên lựa chọn ngành chip bán dẫn? Học ngành Chip bán dẫn ở đâu? Lagiweb sẽ giải đáp thắc mắc của bạn ở trong bài viết này nhé!

1. Ngành Chip bán dẫn là gì?

Ngành chíp bán dẫn, hay còn gọi là ngành công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn. Tinh thể bán dẫn (semiconductor) là loại vật liệu có thể điều khiển dòng điện. Các vi mạch và chíp được sản xuất từ tinh thể bán dẫn này.

Ngành chíp bán dẫn là một trong những lĩnh vực hàng đầu định hình tương lai. Với sự phát triển không ngừng của thiết bị điện tử, từ smartphone đến máy tính cá nhân, ngành chip bán dẫn đã trở thành trọng tâm của sự phát triển trong công nghệ. Đây là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói, kiểm thử.

2. Vì sao nên chọn ngành Chip bán dẫn?

Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, ngành bán dẫn đang đóng một vai trò chủ chốt. Theo dự báo, trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng hai con số, để đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cùng với sự phát triển của ngành, nhu cầu lao động bán dẫn luôn ở mức cao.

Chính phủ đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Không những thế nhiều “ông lớn” của ngành bán dẫn trên thế giới cũng đã đến Việt Nam trao đổi, hợp tác, như tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia tới bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất chíp tiếp theo của Nvidia; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chíp lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Trước đó, năm 2023, Tổng thống Mỹ Biden cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam, quyết định đặt trọng tâm hợp tác vào đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ, trong đó có bán dẫn và AI.

Những chuyển động đó đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành sản xuất chíp bán dẫn và cũng mở ra cơ hội nghề nghiệp cực lớn cho những ai đang muốn theo học ngành này.

Mức lương trong ngành công nghiệp bán dẫn thường rất hấp dẫn, phản ánh trình độ học vấn, kỹ năng, và cấp bậc của nhân viên. Dưới đây là một cái nhìn về mức lương của các vị trí phổ biến trong ngành công nghệ bán dẫn:

Mức lương tại Hoa Kỳ:

  • Kỹ sư thiết kế vi mạch: 120.000 – 200.000 USD/năm
  • Kỹ sư sản xuất bán dẫn: 100.000 – 150.000 USD/năm
  • Kỹ sư kiểm thử bán dẫn: 70.000 – 100.000 USD/năm
  • Kỹ sư vận hành thiết bị bán dẫn: 60.000 – 90.000 USD/năm
  • Kỹ sư quản lý bán dẫn: 150.000 – 250.000 USD/năm

Mức lương tại Việt Nam:

  • Mức lương trung bình của các vị trí trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vào khoảng từ 15 triệu đồng đến 45 triệu đồng trên tháng.
  • Những vị trí có kinh nghiệm và năng lực cao có thể nhận được mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng.

Mức lương trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên do sự phát triển mạnh mẽ của ngành này trong thời gian gần đây.

3. Học ngành Chip bán dẫn ở đâu?

Đối với chương trình đại học, làm công nghệ bán dẫn thì có thể tham khảo học các ngành nghề như sau:

– Ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch – Phần cứng tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM.

– Ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

– Ngành Kỹ thuật điện tử và Tin học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

– Ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

– Đại học Đà Nẵng.

– Trường Đại học Cần Thơ

– Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

– Trường Đại học Phenikaa.

– Trường Đại học FPT

Ngoài ra, cũng có thể đăng ký các tổ chức đào tạo và tổ chức nghề nghiệp chuyên về công nghiệp bán dẫn: Như Semiconductor Industry Association (SIA) và International Electronics Manufacturing Initiative (iNEMI). Những tổ chức này cung cấp các khóa học, chứng chỉ và tài liệu đào tạo về công nghệ và quy trình sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Nếu có cơ hội du học, khả năng và lợi thế của bạn sẽ càng nâng cao trên thị trường đối với ngành học này. Và Mỹ là “miền đất hứa” với khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực này. Các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Đại học Stanford, Massachusetts Institute of Technology (MIT), và California Institute of Technology (Caltech) cung cấp những chương trình học uy tín trong lĩnh vực này.

Hi vọng thông qua bài viết này quý bạn đọc đã nắm được rõ hơn về tiềm năng của ngành công nghiệp Chip bán dẫn để có kế hoạch cho ngành học của mình trong tương lai.

4 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar