Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?
  1. Home
  2. Chưa phân loại
  3. Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?
Lê Thu Thảo 2 tuần trước

Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?

 Chính sách tiền tệ mở rộng (Expansionary Monetary Policy) thường được coi là giải pháp quan trọng để kích thích sự phục hồi. Đây là một trong những công cụ kinh tế vĩ mô được các ngân hàng trung ương sử dụng nhằm tăng cung tiền, giảm lãi suất và thúc đẩy hoạt động đầu tư, tiêu dùng.

Chính sách tiền tệ mở rộng là gì?

Chính sách tiền tệ mở rộng (nới lỏng) là việc ngân hàng Trung ương tăng mức cung tiền cho nền kinh tế khiến cho lãi suất giảm xuống, qua đó làm tăng tổng cầu khiến cho quy mô của nền kinh tế được mở rộng, thu nhập của người dân tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp giảm.

Cách thức hoạt động

Có nhiều cách để tăng mức cung tiền như: Hạ thấp tỉ lệ dự trữ bắt buộc, hạ thấp mức lãi suất chiết khấu, mua vào trên thị trường chứng khoán. Tùy từng thời điểm có thể thực hiện đồng thời cả 2 hoặc 3 cách cùng lúc

Nghiệp vụ thị trường mở

Đây là biện pháp mà NHNN thực hiện mục tiêu nới lỏng tiền tệ bằng cách mua các giấy tờ có giá mà chủ yếu là tín phiếu kho bạc Nhà nước trên thị trường mở để bơm thêm lượng tiền cung ứng trong lưu thông.

Ví dụ: Muốn tăng tiền trong lưu thông thì NHNN mua một lượng chứng khoán nhất định. Nếu là chứng khoán do các NHTM bán cho NHNN thì sẽ làm cho dự trữ tiền của NHTM thừa ra, do NHTM nhận được tiền của NHNN về việc mua chứng khoán. Nếu NHNN mua chứng khoán từ công chúng thì họ sẽ nhận được tiền từ việc bán chứng khoán vào tài khoản tiền gửi tại NHTM.

Dự trữ bắt buộc

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỉ lệ lượng tiền cần phải dự trữ so với tổng số tiền huy động. Đó là tỉ lệ mà Ngân hàng trung ương yêu cầu các NHTM phải bảo đảm.

Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi thì cung tiền sẽ thay đổi.

  • Trường hợp NHNN nới lỏng tiền tệ thì cho phép tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, cung tiền sẽ tăng.
  • Bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng trung ương có thể điều tiết được cung tiền.

Đây là công cụ điều chỉnh lượng tiền cung ứng có tác động rất mạnh của NHNN. Chỉ cần giảm một tỷ lệ nhỏ của dự trữ bắt buộc thì một lượng cung tiền rất lớn được tung ra thị trường, NHNN vừa có thể bơm tiền cho nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng.

Tuy nhiên, tính linh hoạt của công cụ này không cao do việc các NHTM thực hiện giải ngân vốn chậm và phức tạp.

Quản lý hạn mức tín dụng của các NHTM

Đây là biện pháp mà NHNN ấn định một khối lượng tín dụng phải cung cấp cho nền kinh tế trong một thời gian nhất định rồi sau đó tìm con đường để đưa vào nền kinh tế.

Hạn mức tín dụng được xác định trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu lạm phát dự kiến hàng năm, ngoài ra còn dựa vào một số tín hiệu thị trường khác như: tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá, thâm hụt ngân sách nhà nước, tốc độ lưu thông tiền tệ…

Trên cơ sở đó hạn mức tín dụng được phân bổ cho các NHTM, cho từng thời kì phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

  • Để kiểm soát mức tăng trưởng quá nóng của tín dụng trong nền kinh tế, NHNN quy định hạn mức tín dụng tối đa cho từng NHTM hay còn gọi là “room tín dụng”.
  • Những hạn mức riêng này được xác định căn cứ vào tỷ trọng cho vay của nó trong quá khứ so với tổng mức cho vay của hệ thống Ngân hàng.
  • NHTM chỉ được cấp tối đa cho nền kinh tế bằng hạn mức tín dụng được quy định.

Việc nâng hạn mức tín dụng hay nới room tín dụng đồng nghĩa với việc các NHTM có điều kiện tăng nguồn lực và khả năng mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp, khách hàng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

Lãi suất

Lãi suất có tác động mạnh đến tiết kiệm và đầu tư, qua đó tác động vào tăng trưởng kinh tế và giá cả.

Lãi suất là nhân tố trung tâm của nền kinh tế, nó biểu hiện sự tác động của cung – cầu tiền tệ và quyết định khối lượng đầu tư của nền kinh tế, tức là quyết định đến sản lượng, công ăn việc làm, giá cả và lạm phát.

NHNN ấn định trực tiếp mức lãi suất cho vay để các NHTM áp dụng với các đối tượng cho vay. Nếu muốn tăng khối lượng cho vay thì NHNN giảm mức lãi suất cho vay để kích thích các nhà đầu tư vay vốn, và nếu thấy cần hạn chế đầu tư thì NHNN ấn định mức lãi suất cao.

Tỷ giá hối đoái

Chính sách tỷ giá tác động một cách nhạy bén đến tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư, dự trữ của đất nước.

Khi tỷ giá ở mức thấp thì thu hút vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và hỗ trợ thanh khoản hệ thống, kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động, cải thiện tăng trưởng cung tiền.

Công cụ nới lỏng định lượng

Nới lỏng định lượng (tiếng Anh: Quantitative Easing, viết tắt: QE) được tiến hành bằng cách ngân hàng trung ương mua một lượng chứng khoán trên thị trường, làm tăng cung tiền và cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng

Các NHNN làm tăng cung tiền thông qua các hoạt động mua bán tài sản trên thị trường và làm thay đổi bảng cân đối tài sản của mình.

Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ độc đáo.

  • Khi lãi suất ngắn hạn ở mức quá thấp hoặc gần bằng không, các hoạt động thị trường mở thông thường nhằm tác động tới lãi suất không còn hiệu quả.
  • Thay vào đó, ngân hàng trung ương có thể nhắm tới việc mua một số lượng tài sản nhất định như mua trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán khác trong thị trường để tăng cung tiền và khuyến khích cho vay và đầu tư.

Vai trò của chính sách tiền tệ mở rộng

Kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn suy thoái.

Chính sách tiền tệ nới lỏng được xem như một lối thoát để các nhà hoạch định chính sách kéo nền kinh tế ra khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế thông qua bơm tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chính sách nới lỏng tiền tệ được đa số các nước trên thế giới thực hiện để thúc đẩy cung tiền, hỗ trợ nền kinh tế để tránh rơi vào suy thoái.

Để đảm bảo mục tiêu duy trì ổn định của cả hệ thống tài chính đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước và các Ngân hàng Thương Mại (NHTM), trong đó NHNN là cơ quan có chức năng chủ đạo trong việc thực hiện chức năng ổn định tài chính.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn thông qua việc giảm lãi suất hoặc mở rộng cung tiền.

Nguồn vốn rẻ và dồi dào giúp tăng sản lượng sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy tiêu dùng.

Tăng cường lòng tin thị trường: Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận thấy dễ dàng tiếp cận vốn, họ có xu hướng tăng chi tiêu và đầu tư, góp phần kích thích nền kinh tế phát triển.

Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ mở rộng đối với nền kinh tế

Lạm phát và sức mua đồng tiền.

Việc NHNN cung thêm tiền ra nền kinh tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, thậm chí là siêu lạm phát, vốn trái ngược với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nền kinh tế của các NHNN.

Nếu sự sử dụng quá mức các công cụ nới lỏng định lượng cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong trung và dài hạn.
Các hệ quả như:

  • Hiệu ứng bong bóng tài sản: Luồng vốn đầu tư nóng từ nước ngoài, tác động đến lãi suất, tỷ giá và sự mất độc lập về điều hành chính sách tiền tệ. Nới lỏng tiền tệ khuyến khích đầu cơ gây ra sự thúc đẩy giá tài sản tăng quá mức. Giá tài sản tăng nhanh tạo nên hiện tượng bong bóng tài sản đi kèm với tăng nợ không bền vững có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính.
  • Sự phân bố không đều nguồn lực: lượng tiền mà các NHNN bơm ra thị trường tập trung hỗ trợ các NHTM và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại chảy vào thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ và thị trường vốn dẫn đến chênh lệch các nguồn lực.
  • Nợ gia tăng: doanh nghiệp và người tiêu dùng vay quá mức so với khả năng trả nợ của họ, gây tác động cực xấu đối với nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP

Kích thích tiêu dùng và đầu tư: Việc giảm lãi suất giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay, từ đó tăng chi tiêu và đầu tư.
Tăng cầu trong nền kinh tế: Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng cao thúc đẩy sản xuất, kéo theo tăng trưởng GDP.

Tạo việc làm

Khi nhu cầu sản xuất tăng, các doanh nghiệp cần mở rộng hoạt động, dẫn đến nhu cầu lao động tăng, tạo thêm việc làm.
Chính sách này thường đặc biệt hữu ích trong giai đoạn suy thoái, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.

Thị trường tài chính và đầu tư

  • Giảm chi phí vay vốn
    • Các nhà đầu tư và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn, khuyến khích đầu tư vào các dự án mới.
    • Tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn khi kinh tế được kích thích, giúp thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ.

Thúc đẩy thị trường chứng khoán

Lãi suất thấp khiến dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư rủi ro như cổ phiếu, làm tăng giá cổ phiếu.

Kết luận

Chính sách tiền tệ mở rộng là một công cụ quan trọng giúp các quốc gia đối phó với tình trạng kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng chậm. Bằng cách giảm lãi suất và tăng cung tiền, chính sách này không chỉ kích thích tiêu dùng, đầu tư mà còn góp phần tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh nguy cơ lạm phát hoặc mất cân bằng kinh tế.

2 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar