Chính sách tài khóa( Fiscal Policy) là gì?
  1. Home
  2. Chính sách tiền tệ
  3. Chính sách tài khóa( Fiscal Policy) là gì?
Lê Thu Thảo 20 giờ trước

Chính sách tài khóa( Fiscal Policy) là gì?

 Chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng mà chính phủ sử dụng để điều hành và ổn định nền kinh tế quốc gia. Đây là tập hợp các biện pháp liên quan đến thuế và chi tiêu công, nhằm tác động đến tổng cầu, sản xuất, việc làm và lạm phát. Bằng cách điều chỉnh các khoản thu từ thuế hoặc tăng/giảm chi tiêu ngân sách, chính phủ có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc kiểm soát những bất ổn trong nền kinh tế.


Chính sách tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách của Chính phủ về tài chính, được hoạch định và thực hiện trong một niên khóa tài chính, nhằm tác động đến các định hướng phát triển nền kinh tế, thông qua những thay đổi trong các khoản chi tiêu và thu qua thuế, phí của Nhà nước

Ví dụ minh họa:

Chính sách hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 (2020-2021)

  • Giảm thuế và gia hạn nộp thuế: Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ tài chính như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các ngành bị ảnh hưởng nặng nề.
  • Chi tiêu công để hỗ trợ kinh tế: Các gói hỗ trợ tiền mặt cho hộ gia đình, người lao động mất việc làm, và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp duy trì sức mua và ổn định kinh tế.

Các loại chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa bao gồm chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt. Mỗi loại sẽ có những tác động khác nhau đến nền kinh tế vĩ mô.

Chính sách tài khóa mở rộng

Chính sách tài khóa mở rộng còn được gọi bằng chính sách tài khóa thâm hụt.

Trong chính sách này, Chính phủ sẽ thực hiện tăng chi tiêu chính phủ hoặc giảm nguồn thu từ thuế hoặc kết hợp cả hai hình thức này với nhau.

  • Chính sách tài khóa mở rộng đóng vai trò trong việc cải thiện sản lượng của nền kinh tế, tăng tổng cầu, tăng thêm việc làm cho người lao động, từ đó sự phát triển của nền kinh tế.
  • Chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện khi suy thoái kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng chậm, không phát triển, tình trạng thất nghiệp tăng trong xã hội. Chính sách này thường được kết hợp cùng chính sách tiền tệ, làm nền tảng để ổn định và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.

Chính sách tài khóa thắt chặt

Chính sách tài khóa thắt chặt được thực hiện bằng việc giảm chi tiêu chính phủ hoặc tăng nguồn thu từ thuế hoặc Chính phủ kết hợp cả hai hình thức cùng một lúc.

  • Chính sách tài khóa thắt chặt giúp giảm sản lượng nền kinh tế, giảm tổng cầu.
  • Chính chính sách được áp dụng để đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng khi thấy sự phát triển quá nhanh, tỷ lệ lạm phát cao và không ổn định.

Công cụ triển khai chính sách tài khoá

Có hai công cụ chủ yếu để triển khai chính sách tài khoá:

Chi tiêu Chính phủ

Trong hoạt động chi tiêu Chính phủ sẽ có hai loại: chi mua sắm hàng hoá dịch vụ và chi chuyển nhượng.

  • Chi mua hàng hoá dịch vụ là hoạt động Chính phủ sử dụng Ngân sách Nhà nước để mua vũ khí đạn dược, xây dựng cầu cống, đường xá và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho cán bộ công nhân viên Nhà nước…
    • Hoạt động chi mua này có tác động đến tổng cầu theo tính chất số nhân, nếu chi mua tăng một đồng thì tổng cầu sẽ tăng hơn một đồng và ngược lại.
    • Chi mua hàng hoá dịch vụ của Chính phủ được coi như là một công cụ điều tiết tổng cầu.
  • Chi chuyển nhượng là khoản trợ cấp của Chính phủ cho những đối tượng chính sách chẳng hạn như người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa và nhóm người dễ bị tổn thương khác trong xã hội…
    • Chi chuyển nhượng tác động đến tổng cầu bằng việc tác động đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân.
    • Khi chi chuyển nhượng tăng thì tiêu dùng cá nhân cũng tăng và từ đó gia tăng tổng cầu.

Thuế

Có nhiều loại thuế khác nhau nhưng cơ bản thì gồm thuế trực thu (direct taxes) và thuế gián thu (indirect taxes).

  • Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp lên tài sản hoặc/và thu nhập của người chịu thuế chẳng hạn như thuế TNCN, TNDN, thuế tài sản, thế đất…
  • Thuế gián thu là loại thuế đánh gián tiếp thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế bằng việc áp dụng cho giá trị của hàng hoá, dịch vụ, chẳng hạn như thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu…

Khi thuế tăng thì thu nhập của người dân sẽ giảm, từ đó giảm tiêu dùng và tổng cầu giảm theo, và ngược lại, nghĩa là, thuế và chi mua hàng hoá dịch vụ tác động lên tổng cầu theo chiều trái ngược nhau.

Sự khác biệt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều là những công cụ quan trọng của Chính phủ trong quản lý nền kinh tế. Tuy vậy, giữa hai chính sách này vẫn có những điểm khác biệt nhất định.

 

Chính sách tài khóa

Chính sách tiền tệ

Công cụ thực hiệnThuế và các khoản chi tiêu của Chính phủCác công cụ của ngoại hối và hoạt động tín dụng như lãi suất, các khoản dự trữ bắt buộc, chính sách tỷ giá hối đoái, chính sách nới lỏng định lượng, nghiệp vụ ngân hàng mở…
Người tạo ra chính sáchChính phủNgân hàng trung ương
Mục đíchĐưa nền kinh tế hướng vào mức sản lượng và việc làm mong muốn

Bình ổn, ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng GDP và giảm tỷ lệ thất nghiệp

Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tài khóa

Tình hình kinh tế vĩ mô

  • Tăng trưởng kinh tế: Trong giai đoạn tăng trưởng, chính phủ có xu hướng giảm chi tiêu công và tăng thu thuế để kiềm chế lạm phát.
  • Trong giai đoạn suy thoái, chính sách tài khóa thường mở rộng để kích cầu.
  • Lạm phát: Khi lạm phát cao, chính phủ cần thắt chặt chi tiêu và tăng thuế để giảm áp lực giá cả.

Nợ công và ngân sách nhà nước

  • Mức nợ công: Khi nợ công lớn, chính phủ thường hạn chế mở rộng chi tiêu công hoặc tăng cường thu ngân sách để đảm bảo khả năng trả nợ.
  • Thâm hụt ngân sách: Thâm hụt ngân sách kéo dài buộc chính phủ phải điều chỉnh chính sách để cân đối thu chi.

Chính trị và xã hội

  • Chính sách tài khóa có thể được điều chỉnh để đạt được mục tiêu chính trị, như tạo việc làm, giảm bất bình đẳng, hoặc hỗ trợ các ngành kinh tế ưu tiên.
  • Áp lực xã hội: Nhu cầu cải thiện phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng hoặc giảm thuế có thể thúc đẩy thay đổi trong chính sách.

Yếu tố quốc tế

  • Tình hình kinh tế toàn cầu: Khủng hoảng kinh tế hoặc biến động tài chính quốc tế ảnh hưởng đến dòng vốn và thương mại, buộc chính phủ điều chỉnh chính sách tài khóa.
  • Hội nhập kinh tế: Các cam kết quốc tế (ví dụ: WTO, FTA) cũng có thể định hình mức thuế hoặc các khoản chi tiêu công.

Các yếu tố bất ngờ

  • Thiên tai, dịch bệnh: Những yếu tố bất ngờ như đại dịch COVID-19 buộc chính phủ thay đổi chính sách tài khóa để ứng phó khẩn cấp.
  • Biến động giá cả: Giá dầu hoặc nguyên liệu tăng/giảm mạnh có thể tác động đến ngân sách quốc gia và điều chỉnh chính sách tài khóa.

Chức năng của chính sách tài khóa

Chức năng điều tiết

Đối với nền kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa là công cụ giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế, thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế.

  • Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế.
  • Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, chính sách tài khóa lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp có thể tăng chi tiêu công và giảm thuế để kích thích tổng cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  • Trong thời kỳ lạm phát cao, chính phủ có thể giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm tổng cầu, từ đó kiềm chế lạm phát.

Chức năng phân phối

Chính sách tài khóa thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Chính sách tài khóa giúp điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội hay các rủi ro từ thị trường, từ đó tạo lập một sự ổn định và bình đẳng trong xã hội để tạo ra môi trường an toàn cho đầu tư và tăng trưởng.

Chức năng phân phối của chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng để chính phủ giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, nghèo đói và phúc lợi xã hội.

Chức năng ổn định

Chức năng ổn định của chính sách tài khóa là sử dụng các công cụ tài chính như thuế, chi tiêu công và vay nợ để ổn định nền kinh tế vĩ mô và giảm thiểu các biến động kinh tế.

  • Chính sách tài khóa có thể sử dụng chi tiêu công để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong thời kỳ suy thoái kinh tế để tạo việc làm và kích thích tăng trưởng.

  • Chính sách tài khóa có thể sử dụng thuế để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể tăng thuế trong thời kỳ lạm phát cao để giảm tổng cầu và kiềm chế lạm phát.
  • Chính sách tài khóa có thể sử dụng vay nợ để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể vay tiền để chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Có thể thấy chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng của chính phủ để điều tiết nền kinh tế và đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội. Chính sách tài khóa đóng vai trò điều tiết, ổn định nền kinh tế, cũng như giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội.

Kết luận

Chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng giúp chính phủ điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế. Thông qua việc điều chỉnh thuế và chi tiêu công, chính phủ có thể kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, chính sách tài khóa cần được thiết kế linh hoạt, phù hợp với bối cảnh kinh tế và xã hội. Hiểu rõ vai trò và tác động của chính sách tài khóa là chìa khóa giúp nâng cao chất lượng quản lý kinh tế và đời sống xã hội.

0 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar