Chi phí cố định và Chi phí biến đổi là gì?
  1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Chi phí cố định và Chi phí biến đổi là gì?
Lê Thu Thảo 4 ngày trước

Chi phí cố định và Chi phí biến đổi là gì?

  Chi phí là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa ra các quyết định đúng đắn. Có 2 loại chi phí chính: chi phí cố định và chi phí biến đổi. Mỗi loại chi phí này đóng vai trò khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí cố định là gì?

Chi phí cố định là những khoản chi phí mà doanh nghiệp cần thanh toán định kỳ và gần như giữ ổn định và không thay đổi trong một thời gian nhất định.

Ví dụ: Doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí cố định như tiền phí bảo hiểm, tiền thuê mặt bằng, tiền lãi từ ngân hàng,… dù doanh nghiệp có sản xuất, kinh doanh hay không.

Phân loại chi phí cố định

Dựa trên yếu tố quản lý

  • Chi phí cố định bắt buộc
    • Bao gồm toàn bộ khoản tiền có liên quan đến trang thiết bị và chi phí cho hoạt động cơ bản của doanh nghiệp.
    • Đây là khoản phí cố định và doanh nghiệp không thể trì hoãn cho việc chi trả. Ví dụ như tiền nhà xưởng, tiền máy móc, tiền lương của nhân viên,…
  • Chi phí cố định không bắt buộc
    • Bao gồm các khoản tiền mà doanh nghiệp phát sinh khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Khoản chi phí này phụ thuộc vào sự quyết định của doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định.
    • Tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau mà doanh nghiệp sẽ cần trả khoản phí khác. Ví dụ như tiền quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu,…

Dựa trên yếu tố phân bổ

  • Chi phí cố định định kỳ
    • Khoản tiền cố định này đã được doanh nghiệp tính toán từ trước và được nộp giống nhau trong khoảng thời gian nhất định.
    • Ví dụ chi phí cố định định kỳ như tiền điện, tiền nước, tiền thuê mặt bằng,…
  • Chi phí cố định có thể phân bổ
    • Chi phí cố định phải phân bổ là những chi phí không không có sự cố định đều đặn qua các thời điểm mà khoản đầu tư một lần, vì vậy cần phân bổ ra làm chi phí nhiều kỳ. Ví dụ như khấu hao tài sản,…

Công thức tính chi phí cố định

Phương pháp trực tiếp

FC = Σ Chi phí cố định = Tổng chi phí – Chi phí biến đổi

Trong đó:

Chi phí cố định bao gồm các khoản chi phí không thay đổi theo mức độ hoạt động kinh doanh hay sản lượng sản xuất. Ví dụ như tiền thuê nhà, khấu hao tài sản cố định, lãi vay ngân hàng, phí bảo hiểm, v.v.

Phương pháp dựa trên mức hoạt động

FC = Mức phí hoạt động cao nhất/thấp nhất – (Chi phí biến đổi với một đơn vị x Đơn vị hoạt động cao nhất/thấp nhất)

Trong đó:

FC: Chi phí cố định

  • Mức phí hoạt động cao nhất/thấp nhất: Mức chi phí cao nhất/thấp nhất mà doanh nghiệp phải chi trả trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể mức độ hoạt động kinh doanh hay sản lượng sản xuất.
  • Chi phí biến đổi với một đơn vị: Chi phí biến đổi cho một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Đơn vị hoạt động cao nhất/thấp nhất: Số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ cao nhất/thấp nhất mà doanh nghiệp sản xuất hoặc bán ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu có nhiều khoản biến phí liên tục thay đổi, doanh nghiệp có thể tính bằng biến phí với mỗi đơn vị dựa vào cách tính trung bình tương đối.

Chi phí biến đổi là gì?

Chi phí biến đổi là những khoản chi phí thay đổi phụ thuộc vào thị trường hoặc bị ảnh hưởng bởi khối lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất.

Ví dụ: Một số khoản chi phí biến đổi phổ biến như chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng/giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí mà doanh nghiệp phải chi ra. Chi phí biến đổi cũng có thể là phí giao dịch thẻ tín dụng hoặc chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Công thức tính chi phí biến đổi

Tổng biến phí = Tổng số sản phẩm đầu ra x Chi phí biến đổi của mỗi đơn vị

Chi phí biến đổi của mỗi đơn vị = Tổng biến phí/ số sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp.

Mở rộng ra với doanh nghiệp có nhiều khoản biến phí thay đổi liên tục thì có thể tính bằng biến phí của mỗi đơn vị thông qua cách tính trung bình tương đối.

Biến phí với mỗi đơn vị = Hiệu biến các biến phí vào các thời gian/Hiệu số lượng sản phẩm

Sự khác biệt giữa Chi phí cố định và Chi phí biến đổi

Tiêu chí

Chi phí cố định

Chi phí biến đổi

Khái niệmChi phí cố định là loại chi phí không thay đổi theo mức sản xuất hoặc doanh thu của doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất nhiều hay ít, hay doanh thu tăng hay giảm, các chi phí cố định vẫn giữ nguyên mức không đổi.

Chi phí biến đổi là các khoản chi phí phụ thuộc vào các yếu tố thay đổi về quy mô sản xuất.

Khoản tiền này thường ứng với các chi phí thay đổi liên tục trong doanh nghiệp.

Đặc điểmTổng chi phí cố định không đổi khi thay đổi mức độ hoạt động trong phạm vi quy mô phù hợp.

Chi phí cố định tính trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm dần khi tăng mức độ hoạt động.

Chi phí cố định vẫn tồn tại ngay cả khi không hoạt động.

Tổng chi phí biến đổi thay đổi khi mức độ hoạt động thay đổi.

Chi phí biến đổi đơn vị (là biến phí chi ra để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm) không đổi khi thay đổi mức độ hoạt động.

Chi phí biến đổi bằng 0, nếu không có hoạt động.

Các loại chi phíChi phí cố định bao gồm tiền thuê nhà, thuế, tiền lương, khấu hao, phí, nhiệm vụ, bảo hiểm và nhiều hơn nữa.Chi phí biến đổi bao gồm các chi phí về nguyên liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí năng lượng phục vụ sản xuất, chi phí bao bì đóng gói, hoa hồng bán hàng,…
Có tính vào tồn kho không?Chi phí cố định không bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho.Chi phí biến đổi bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho.
Ảnh hưởng đến giá thành sản phẩmĐộc lập với số lượng sản phẩmTrực tiếp liên quan đến số lượng sản phẩm

Ý nghĩa của Chi phí cố định và chi phí biến đổi

Trong quản lý tài chính doanh nghiệp

Quản lý chi phí hiệu quả

  • Chi phí cố định: Giúp doanh nghiệp xác định ngân sách dài hạn.

Ví dụ, chi phí thuê mặt bằng hoặc lương nhân viên cố định cần được quản lý để đảm bảo dòng tiền ổn định, đặc biệt trong giai đoạn doanh thu thấp.

  • Chi phí biến đổi: Doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản lượng hoặc dịch vụ dựa trên chi phí này. Ví dụ, tăng sản lượng trong mùa cao điểm để tối ưu hóa lợi nhuận.

Ra quyết định sản xuất và kinh doanh

  • Doanh nghiệp sử dụng thông tin về chi phí cố định và biến đổi để tính toán điểm hòa vốn:
    • Đưa ra quyết định tăng hoặc giảm sản lượng
    • Điều chỉnh giá bán hoặc thay đổi quy trình sản xuất.

Ví dụ, nếu chi phí biến đổi thấp, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng chiến lược giá

  • Chi phí cố định: Là yếu tố quan trọng trong việc xác định giá tối thiểu để đảm bảo bù đắp chi phí.
  • Chi phí biến đổi: Giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến lược giá linh hoạt, như giảm giá bán để thu hút khách hàng trong ngắn hạn mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận.

Lập kế hoạch mở rộng kinh doanh

  • Khi mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp cần đánh giá tác động của việc tăng chi phí cố định (như đầu tư thêm nhà xưởng) và biến đổi (như nguyên liệu sản xuất).
  • Việc này giúp doanh nghiệp dự đoán lợi nhuận và kiểm soát rủi ro.

Phân tích biên lợi nhuận

  • Sử dụng chi phí biến đổi:
    • Tính biên lợi nhuận đóng góp
    • Xác định sản phẩm hoặc dịch vụ nào mang lại lợi nhuận cao nhất.

Quản lý rủi ro tài chính

  • Doanh nghiệp có thể phân tích cơ cấu chi phí để tối ưu hóa tài chính.
  • Ví dụ, giảm chi phí cố định bằng cách thuê thiết bị thay vì mua, hoặc tìm nguồn cung ứng rẻ hơn để giảm chi phí biến đổi.

Quản lý tài chính cá nhân

Xây dựng và quản lý ngân sách cá nhân

  • Phân bổ hợp lý chi tiêu
    • Chi phí cố định (như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước) cần được ưu tiên trong ngân sách để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu được đáp ứng.
      Chi phí biến đổi (như ăn uống, giải trí) có thể được điều chỉnh linh hoạt theo mức thu nhập và mục tiêu tài chính.
  • Kiểm soát dòng tiền
    • Việc theo dõi chi phí cố định và biến đổi giúp bạn kiểm soát dòng tiền hiệu quả, đảm bảo không chi tiêu vượt quá khả năng tài chính.

Tiết kiệm và đầu tư thông minh

  • Tối ưu hóa tiết kiệm
    • Hiểu rõ các khoản chi cố định sẽ giúp bạn xác định số tiền tối thiểu cần để duy trì cuộc sống, từ đó lên kế hoạch tiết kiệm từ các khoản chi biến đổi không cần thiết.
  • Đầu tư dài hạn
    • Việc phân loại rõ ràng chi phí cố định và biến đổi giúp bạn dành quỹ đầu tư ổn định mà không ảnh hưởng đến các nhu cầu cơ bản.

Đánh giá và quản lý rủi ro tài chính

  • Lập quỹ dự phòng khẩn cấp
    • Chi phí cố định là cơ sở để bạn xác định mức quỹ khẩn cấp cần thiết (thường là 3-6 tháng chi phí cố định) để ứng phó với rủi ro như mất việc hoặc giảm thu nhập.
  • Ứng phó với biến động thu nhập
    • Việc theo dõi chi phí biến đổi giúp bạn dễ dàng cắt giảm chi tiêu không cần thiết trong thời gian thu nhập giảm mà vẫn đảm bảo các khoản chi cố định.

Hoạch định mục tiêu tài chính

Tính toán khả năng chi trả: Khi lên kế hoạch mua sắm lớn (như mua nhà, mua xe), bạn cần dựa vào chi phí cố định và biến đổi để đánh giá khả năng trả góp hoặc tiết kiệm.

Lập kế hoạch dài hạn

Chi phí cố định giúp bạn xác định các khoản phải chi tiêu lâu dài, trong khi chi phí biến đổi là yếu tố bạn có thể linh hoạt thay đổi để đạt mục tiêu tài chính như du lịch, học tập, hoặc nghỉ hưu.

Ra quyết định tài chính thông minh

  • Quản lý nợ cá nhân

Hiểu rõ chi phí cố định giúp bạn tính toán khả năng trả nợ (như vay mua nhà, vay tín dụng) mà không gây áp lực lên ngân sách hàng tháng.

  • Lựa chọn chi tiêu ưu tiên

Phân biệt chi phí cố định và biến đổi giúp bạn dễ dàng ra quyết định ưu tiên cho các khoản chi cần thiết thay vì những khoản chi không mang lại giá trị dài hạn.

Kết luận

Chi phí cố định và chi phí biến động là hai khái niệm cơ bản nhưng vô cùng quan trọng trong quản lý tài chính doanh nghiệp. Hiểu rõ sự khác biệt và ảnh hưởng của từng loại chi phí sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định chính xác về sản xuất, kinh doanh, giá cả và đầu tư. Ngoài ra, trong quản lý tài chính cá nhân- việc phân loại chi tiêu của mình thành các loại chi phí cố định và biến động, giúp dễ dàng lập kế hoạch ngân sách, tìm ra những khoản chi tiêu không cần thiết để cắt giảm và đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý.

0 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar