Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payments) là gì?
  1. Home
  2. Cán cân thương mại
  3. Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payments) là gì?
Lê Thu Thảo 3 ngày trước

Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payments) là gì?

  Cán cân thanh toán là một chỉ số quan trọng phản ánh toàn diện các giao dịch tài chính giữa một quốc gia và phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định. Nó không chỉ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình tài chính, ngoại hối, mà còn cho thấy sức mạnh hoặc sự yếu kém trong nền kinh tế quốc gia.

Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payments) là gì?

Cán cân thanh toán quốc tế là một biểu tổng hợp ghi chép một cách có hệ thống tất cả các khoản thu chi ngoại tệ của một nước phát sinh với các nước khác trong một thời kỳ nhất định.

Phân loại cán cân thanh toán quốc tế

  • Cán cân thanh toán quốc tế thời kỳ: Là cán cân thanh toán phản ánh tất cả các khoản ngoại tệ đã thu và đã chi của một nước với nước khác.
  • Cán cân thanh toán quốc tế thời điểm: Là cán cân thanh toán phản ánh những khoản ngoại tệ sẽ thu và sẽ chi vào một thời điểm nào đó.

Các giao dịch tiền tệ được phản ánh trong cán cân thanh toán thực chất là những giao dịch tiền tệ giữa những người cư trú và những người không cư trú và ngược lại.

Các thành phần của cán cân thanh toán

Tài khoản vãng lai

Ghi lại các dòng hàng hóa, dịch vụ và các khoản chuyển tiền qua lại.

Khoản mục cán cân vãng lai được chia thành 4 nhóm nhỏ: thương mại hàng hoá, dịch vụ, yếu tố thu nhập, chuyển tiền thuần.

Cán cân thương mại: (Cán cân hữu hình)

Cán cân này phản ánh những khoản thu chi về xuất nhập khẩu hàng hoá trong một thời kỳ nhất định.

  • Khi cán cân thương mại thặng dư điều này có nghĩa là nước đó đã thu được từ xuất khẩu nhiều hơn phải trả cho nhập khẩu.
  • Ngược lại, cán cân bội chi phản ánh nước đó nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

Cán cân dịch vụ (Cán cân vô hình).

Phản ánh các khoản thu chi từ các hoạt động dịch vụ về vận tải (cước phí vận chuyển thuê tàu, bến bãi…) du lịch, bưu chính, cố vấn pháp luật, dịch vụ kỹ thuật, bản quyền, bằng phát minh…

Thực chất của cán cân dịch vụ là cán cân thương mại nhưng gắn với việc xuất nhập khẩu dịch vụ.

Ghi chép:

  • Xuất khẩu dịch vụ (phản ánh bên
  • Nhập khẩu dịch vụ (phản ánh bên Nợ

Cán cân thu nhập ( Yếu tố thu nhập)

Phản ánh các dòng tiền về thu nhập chuyển vào và chuyển ra.

Bao gồm:

  • Thu nhập của người lao động (tiền lương, tiền thưởng, thu nhập khác…) do người không cư trú trả cho người cư trú và ngược lại.
  • Thu nhập từ hoạt động đầu tư như: FDI, ODA…Các khoản thanh toán và được thanh toán từ tiền lãi, cổ tức đến những khoản thu nhập từ đầu tư ở nước ngoài từ trước.

Phản ánh:

  • Thu nhập chảy vào phản ánh bên (làm tăng cung ngoại tệ).
  • Khi chuyển thu nhập ra được phản ánh bên Nợ (làm giảm cung ngoại tệ).

Chuyển tiền đơn phương

Bao gồm các khoản chuyển giao một chiều không được hoàn lại.

  • Viện trợ không hoàn lại.
  • Khoản bồi thường, quà tặng, quà biếu.
  • Trợ cấp tư nhân, trợ cấp chính phủ.

Ghi chép:

  • Các khoản thu đơn phương được xem như tăng thu nhập nội địa do thu được từ nước ngoài, làm tăng cung ngoại tệ (phản ánh vào bên).
  • Các khoản phải trả đơn phương do phải thanh toán cho người nước ngoài(phát sinh cầu ngoại tệ- phản ánh vào bên Nợ).

Cán cân vốn và tài chính

Phản ánh sự chuyển dịch tư bản của một nước với các nước khác (luồng vốn được đầu tư vào hay đầu tư ra của một quốc gia). Các luồng vốn gồm hai loại: luồng vốn ngắn hạn và luồng vốn dài hạn.

 Cán cân vốn ngắn hạn

Bao gồm các khoản vốn ngắn hạn chảy vào (Có) và chảy ra (Nợ).

  • Tín dụng thương mại, tín dụng ngắn hạn ngân hàng.
  • Các khoản tiền gửi ngắn hạn.

Cán cân vốn dài hạn

Các khoản vốn dài hạn bao gồm: FDI, Các khoản tín dụng quốc tế dài hạn và Các khoản đầu tư gián tiếp.

  • FDI
    • Khi FDI chảy vào phản ánh Có.
    • Khi FDI chảy ra phản ánh Nợ.
  • Các khoản tín dụng quốc tế dài hạn:
    • Tín dụng thương mại dài hạn: khoản vay hoặc cho vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài theo điều kiện thực tế.
      • Khi đi vay phản ánh bên Có.
      • Khi cho vay hoặc trả nợ thì phản ánh bên Nợ.
    • Tín dụng ưu đãi dài hạn: Các khoản vay ODA.
      • Khi đi vay phản ánh bên Có.
      • Khi cho vay phản ánh bên Nợ.
  • Các khoản đầu tư gián tiếp khác

Bao gồm các khoản mua, bán cổ phiếu, trái phiếu quốc tế nhưng chưa đạt đến số lượng kiểm soát công ty.

    • Nếu bán cổ phiếu,trái phiếu tức là vốn vào thì phản ánh bên Có.
    • Còn nếu mua thì vốn ra tức là phản ánh bên Nợ.

Các khoản vốn chuyển giao một chiều (không hoàn lại)

  • Khoản viện trợ không hoàn lại cho mục đích đầu tư.
  • Các khoản nợ được xoá, tài sản của người di cư: Vào =>Có, Ra=> Nợ.

Cán cân vốn thặng dư khi Số phát sinh Có > Số phát sinh Nợ có nghĩa là: Tổng tiền vốn đầu tư vào >Tổng số vốn đầu tư ra và trả nợ.

Lỗi và sai sót

Khoản mục này nếu có là do sự sai lệch về thống kê do nhầm lẫn, bỏ sót hoặc không thu thập được số liệu.

Nguyên nhân: Những ghi chép của những khoản thanh toán hoặc hoá đơn quốc tế được thực hiện:

  • Vào những thời gian khác nhau
  • Địa điểm khác nhau
  • Bằng những phương pháp khác nhau.

Do vậy, những ghi chép này – cơ sở để xây dựng những thống kê của cán cân thanh toán quốc tế- chắc chắn không hoàn hảo. Từ đó, dẫn đến những sai số thống kê.

Cán cân tổng thể

Nếu công tác thống kê đạt mức chính xác tức lỗi và sai sót bằng không thì cán cân tổng thể là tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn.

Cán cân tổng thể =Cán cân vãng lai +Cán cân vốn +Lỗi và sai sót.

Phản ánh: tình trạng kinh tế đối ngoại của một quốc gia trong một thời kỳ hoặc tại một thời điểm.

  • Kết quả của cán cân thanh toán mang dấu( +): thu ngoại tệ của quốc gia đã (sẽ) tăng thêm.
  • Kết quả của cán cân thanh toán mang dấu( -): thu ngoại tệ của quốc gia giảm hoặc sẽ giảm thấp.

Tài trợ chính thức (Cán cân bù đắp chính thức)

Cán cân bù đắp chính thức bao gồm các khoản mục sau:

  • Dự trữ ngoại hối quốc gia.
  • Quan hệ với IMF và các ngân hàng trung ương khác.
  • Thay đổi dự trữ của các ngân hàng trung ương khác bằng đồng tiền của quốc gia có lập cán cân thanh toán…

Trong đó dự trữ ngoại hối quốc gia đóng vai trò quyết định do đó, ta coi khoản mục dự trữ ngoại hối chính là cán cân bù đắp chính thức.

Mối quan hệ giữa các thành tố trong cán cân thanh toán được thể hiện như sau:

  1. Cán cân tổng thể = Cán cân vãng lai + Cán cân vốn + Sai sót
  2. Cán cân bù đắp chính thức = – Cán cân tổng thể
  3. Cán cân thanh toán quốc tế (BOP) = Cán cân tổng thể + Cán cân bù đắp chính thức = 0

Các yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế

Có rất nhiều yếu tố kinh tế tác động đến sự chênh lệch của cán cân thanh toán quốc tế. Ở bài viết này, tập trung vào phân tích lạm phát và tỷ giá hối đoái

Lạm phát

Nếu tỷ lệ lạm phát của một quốc gia A cao hơn tỷ lệ lạm phát của quốc gia B (B có quan hệ thương mại với A) thì cán cân thanh toán giữa hai quốc gia sẽ bị chênh lệch.

  • Năng lực cạnh tranh của hàng hóa tại quốc gia A trên thị trường quốc tế kém hơn B.
  • Khối lượng xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ bị kém hơn so với B.

Tỷ giá hối đoái

Nếu xét trong điều kiện các yếu tố kinh tế không chênh lệch, tiền của nước A tăng giá so với tiền của nước B.

  • Tài khoản vãng lai của nước A sẽ giảm sút.
  • Hàng hóa nhập khẩu từ nước A lúc này cũng sẽ đắt hơn so với nhập khẩu từ nước B.

Kết quả dẫn đến nhu cầu về hàng hóa của A cũng sẽ giảm trên thị trường quốc tế.

Ví dụ:

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Trước kia, một doanh nghiệp ở Mỹ nhập khẩu cà phê Việt Nam với mức giá 100 nghìn/1kg. Nhưng hiện nay, tỷ giá VND/USD tăng, doanh nghiệp Mỹ mất tới 120.000 đồng để nhập khẩu được 1kg. Điều này khiến cà phê Việt Nam giảm năng lực cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ.

Ý nghĩa của cán cân thanh toán

Cán cân thanh toán quốc tế là một chỉ số có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia vì:

  • Cán cân thanh toán quốc tế của một quốc gia thể hiện tình trạng tài chính và kinh tế của quốc gia đó.
  • Báo cáo cán cân thanh toán có thể được sử dụng như một tài liệu thống kê nhằm xác định xem giá trị tiền tệ của quốc gia đó đang tăng hay giảm.

  • Dựa vào chỉ số cán cân thanh toán quốc tế, chính phủ của mỗi quốc gia có thể đưa ra các quyết định chính sách tài khóa và thương mại tối ưu nhất.
  • Cán cân thanh toán cung cấp thông tin quan trọng để phân tích và hiểu các giao dịch kinh tế của một quốc gia với các quốc gia khác.

  • Báo cáo cán cân thanh toán quốc tế cho chúng ta thấy được một bản đối chiếu giữa những khoản tiền thực tế thu được từ nước ngoài với những khoản tiền mà thực tế nước đó chi ra cho nước ngoài trong một thời kỳ nhất định cho phép chính phủ đưa ra các quyết sách về điều hành kinh tế vĩ mô như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách tỷ giá…
  • Bằng cách nghiên cứu cán cân thanh toán quốc tế và các thành phần của nó, ta sẽ có thể xác định các xu hướng có thể có lợi hoặc có hại cho nền kinh tế của một quốc gia. Từ đó, đưa ra các giải pháp, chiến lược thích hợp.

Kết luận

Cán cân thanh toán không chỉ là công cụ để đánh giá sự ổn định tài chính quốc gia, mà còn là yếu tố quan trọng giúp điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô. Một cán cân thanh toán thặng dư có thể phản ánh nền kinh tế mạnh mẽ và khả năng thu hút đầu tư, trong khi một cán cân thâm hụt kéo dài có thể tạo ra những thách thức về tài chính.

0 lượt xem | 0 bình luận
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar