Chi phí biến đổi là gì?
Chi phí biến đổi là một khái niệm quan trọng trong kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất. Đây là loại chi phí thay đổi trực tiếp theo sản lượng, có nghĩa là khi sản xuất tăng lên, chi phí biến đổi cũng tăng theo và ngược lại. Hiểu rõ về chi phí biến đổi giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.
Chi phí biến đổi là gì?
Chi phí biến đổi (Variable Cost) là chi phí thay đổi theo khối lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp. Nói cách khác, những chi phí này thay đổi tùy thuộc vào sản lượng của doanh nghiệp. Chi phí biến đổi tăng khi sản lượng tăng và giảm khi sản lượng giảm.
Đặc điểm của chi phí biến đổi
- Tổng biên phí thay đổi khi mức độ hoạt động thay đổi;
- Biến phí đơn vị (là biến chi phí chi ra để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm) không đổi khi thay đổi mức độ hoạt động;
- Biến phí bằng 0, nếu không có hoạt động (khác với chi phí cố định, doanh nghiệp không hoạt động thì vẫn phải trả chi phí cố định).
Các loại chi phí biến đổi
Chi phí lao động trực tiếp
Đề cập đến tiền lương và phúc lợi trả cho công nhân tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất.
Những chi phí này có mối tương quan trực tiếp với mức sản xuất hoặc doanh số.
- Khi sản lượng tăng, doanh nghiệp sẽ cần nhiều công nhân hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vì vậy, chi phí lao động trực tiếp sẽ cao hơn.
- Ngược lại, khi hoạt động sản xuất giảm, doanh nghiệp cần ít công nhân hơn nên khiến cho chi phí lao động trực tiếp giảm theo.
Chi phí nguyên liệu thô
Đây là các thành phần thiết yếu hoặc nguyên vật liệu được sử dụng trực tiếp trong quá trình sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.
- Khi sản lượng tăng, nhu cầu về nguyên liệu thô sẽ tăng, dẫn đến chi phí nguyên liệu thô cao hơn.
- Sản lượng giảm làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô và giảm chi phí liên quan.
Chi phí tiện ích
Chẳng hạn như điện, khí đốt, nước và các nguồn năng lượng khác, cần thiết để vận hành quy trình sản xuất. Mức tiêu thụ tiện ích tương ứng trực tiếp với mức sản xuất.
- Khi sản lượng tăng, mức tiêu thụ tiện ích tăng, dẫn đến chi phí tiện ích cao hơn.
- Sản lượng giảm dẫn đến chi phí tiện ích thấp hơn.
Hoa hồng bán hàng
Đây là khoản tiền thưởng được trả cho đại diện bán hàng hoặc nhân viên kinh doanh dựa trên doanh số mà họ đạt được.
- Khi doanh số tăng, số tiền hoa hồng trả cho nhân viên cũng tăng theo.
- Ngược lại, trong các giai đoạn doanh số thấp hơn, chi phí hoa hồng sẽ giảm.
Các công thức tính chi phí biến đổi
Cách tính tổng chi phí biến đổi
Để tính tổng chi phí biến đổi khi sản xuất một lượng sản phẩm nhất định, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Xác định các chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm: Bao gồm các chi phí như lao động trực tiếp, nguyên vật liệu, bao bì, và các chi phí khác liên quan đến sản xuất một sản phẩm.
Bước 2: Tính tổng chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị: Cộng tất cả các chi phí biến đổi để biết tổng chi phí biến đổi cho việc sản xuất một đơn vị sản phẩm là bao nhiêu.
Bước 3: Tính tổng chi phí biến đổi cho toàn bộ sản lượng: Lấy tổng số đơn vị sản phẩm đã sản xuất nhân với chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị.
Tổng chi phí biến đổi = Số lượng sản phẩm đầu ra x Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm
Ví dụ minh họa:
Một công ty sản xuất 50 đơn vị sản phẩm, và chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị là 100 USD, tổng chi phí biến đổi sẽ được tính như sau: 100 USD x 50 đơn vị = 5.000 USD.
Như vậy, tổng chi phí biến đổi để sản xuất 50 đơn vị sản phẩm là 5.000 USD.
Cách tính chi phí biến đổi trung bình
Chi phí biến đổi trung bình đại diện cho mức chi phí biến đổi mà doanh nghiệp phải bỏ ra để sản xuất một đơn vị sản phẩm.
Công thức tính:
Chi phí biến đổi trung bình = Tổng chi phí biến đổi / Tổng sản lượng
Ví dụ minh họa:
Nếu tổng chi phí biến đổi để sản xuất 80 chiếc áo là 400 USD, chúng ta có: 400 USD ÷ 80 = 5 USD
Chi phí biến đổi trung bình để sản xuất mỗi chiếc áo là 5 USD.
Cách tính biên lợi nhuận với chi phí biến đổi
Để đánh giá chính xác hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp cần xem xét cả chi phí biến đổi và chi phí cố định nhằm có cái nhìn toàn diện về chi phí sản xuất và lợi nhuận từ mỗi lần bán hàng.
Biên lợi nhuận = Giá bán lẻ trên mỗi đơn vị – Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị
Ví dụ minh họa:
Một công ty bán lẻ áo phông với giá 20 USD/chiếc và chi phí biến đổi là 12 USD/chiếc, thì biên lợi nhuận sẽ là: 20 USD – 12 USD = 8 USD.
Điều này có nghĩa là với mỗi chiếc áo phông bán ra, công ty thu về 8 USD lợi nhuận.
Tính số lượng hòa vốn với chi phí biến đổi
Mỗi tháng, doanh nghiệp cần thanh toán các chi phí cố định để duy trì hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo có đủ doanh thu bù đắp chi phí cố định, doanh nghiệp cần tính sản lượng hòa vốn – tức số lượng sản phẩm tối thiểu phải bán ra hàng tháng để không bị lỗ.
Công thức tính số lượng hòa vốn:
Số lượng hòa vốn = Tổng chi phí cố định / (Giá bán lẻ trên mỗi đơn vị – Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị)
Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí biến đổi
Mức độ sản xuất hoặc doanh thu bán hàng
Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí biến đổi. Khi mức sản xuất hoặc doanh thu bán hàng tăng lên, các chi phí biến đổi liên quan đến sản xuất hoặc bán hàng cũng tăng lên.
Giá thành nguyên vật liệu
Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí biến đổi, nếu giá thành nguyên vật liệu tăng thì chi phí biến đổi sẽ tăng lên và ngược lại, nếu giá nguyên vật liệu giảm thì chi phí biến đổi cũng giảm đi.
Lao động trực tiếp: Đây là yếu tố tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến chi phí biến đổi. Khi số lượng lao động trực tiếp cần thiết tăng lên để sản xuất hoặc bán hàng, thì khi đó chi phí biến đổi cũng tăng lên và ngược lại.
Chi phí vận chuyển: Tiếp theo, các chi phí vận chuyển đến các địa điểm khác nhau cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí biến đổi. Khi sản phẩm cần được vận chuyển đến các địa điểm khác nhau, chi phí biến đổi sẽ tăng lên.
Những yếu tố khác có thể kể đến như: chi phí quảng cáo, chi phí bảo trì thiết bị,… cũng có thể ảnh hưởng đến chi phí biến đổi.
Sự khác biệt giữa Chi phí cố định và chi phí biến đổi
Tiêu chí | Chi phí cố định | Chi phí biến đổi |
Khái niệm | Chi phí cố định là loại chi phí không thay đổi theo mức sản xuất hoặc doanh thu của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là dù doanh nghiệp sản xuất nhiều hay ít, hay doanh thu tăng hay giảm, các chi phí cố định vẫn giữ nguyên mức không đổi. | Chi phí biến đổi là các khoản chi phí phụ thuộc vào các yếu tố thay đổi về quy mô sản xuất. Khoản tiền này thường ứng với các chi phí thay đổi liên tục trong doanh nghiệp. |
Đặc điểm | Tổng chi phí cố định không đổi khi thay đổi mức độ hoạt động trong phạm vi quy mô phù hợp.Chi phí cố định tính trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm dần khi tăng mức độ hoạt động.Chi phí cố định vẫn tồn tại ngay cả khi không hoạt động. | Tổng chi phí biến đổi thay đổi khi mức độ hoạt động thay đổi.Chi phí biến đổi đơn vị (là biến phí chi ra để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm) không đổi khi thay đổi mức độ hoạt động.Chi phí biến đổi bằng 0, nếu không có hoạt động. |
Các loại chi phí | Chi phí cố định bao gồm tiền thuê nhà, thuế, tiền lương, khấu hao, phí, nhiệm vụ, bảo hiểm và nhiều hơn nữa. | Chi phí biến đổi bao gồm các chi phí về nguyên liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí năng lượng phục vụ sản xuất, chi phí bao bì đóng gói, hoa hồng bán hàng,… |
Có tính vào tồn kho không? | Chi phí cố định không bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho. | Chi phí biến đổi bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho. |
Ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm | Độc lập với số lượng sản phẩm | Trực tiếp liên quan đến số lượng sản phẩm |
Tác động của chi phí biến đổi tới doanh nghiệp
Chi phí biến đổi có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì chi phí biến đổi được liên kết trực tiếp với mức độ sản xuất hoặc doanh số, bất kỳ thay đổi nào trong những yếu tố này cũng có thể dẫn đến sự biến động cho chi phí biến đổi.
Lợi nhuận
- Khi chi phí biến đổi tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm, đặc biệt là nếu giá bán của sản phẩm hoặc dịch vụ không tăng theo tương ứng.
- Điều này có thể dẫn đến giảm biên lợi nhuận, và nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp có thể trở nên không có lợi nhuận.
Tính linh hoạt
- Chi phí biến đổi có thể cung cấp tính linh hoạt cho các doanh nghiệp trong việc quản lý chi phí.
- Vì chi phí này có thể thay đổi dựa trên mức độ sản xuất hoặc doanh số, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chi phí của mình tương ứng.
Lợi thế cạnh tranh
Quản lý chi phí biến đổi hiệu quả có thể cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
- Bằng cách giữ chi phí biến động thấp, các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình với giá thấp hơn, làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng.
- Điều này có thể giúp các doanh nghiệp tăng thị phần và tăng doanh thu.
Quản lý rủi ro
Bằng cách hiểu tác đổi của chi phí biến đổi, doanh nghiệp có thể quản lý rủi ro tốt hơn.
- Nếu một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể có chi phí biến đổi cao, thì bất kỳ thay đổi nào về nhu cầu hoặc sản xuất đều có thể tác động đáng kể đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp cần phải nhận thức được những rủi ro liên quan đến chi phí biến đổi của họ và thực hiện các bước để giảm thiểu chúng.
Kết luận
Chi phí biến đổi là một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiểu rõ về chi phí biến đổi giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc quản lý chi phí biến đổi đòi hỏi doanh nghiệp phải có những phân tích kỹ lưỡng về cấu trúc chi phí, thị trường và các yếu tố ảnh hưởng khác.