Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là một công cụ đầu tư phổ biến, được nhiều người lựa chọn nhờ tính ổn định và khả năng tạo ra thu nhập cố định. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu trái phiếu là gì?. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu.
Khi mua một trái phiếu, nhà đầu tư cho tổ chức phát hành vay một mức vốn (tương ứng với mệnh giá của trái phiếu) và nhận được khoản lãi định kỳ theo tỷ lệ lãi suất nhất định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
Trái phiếu có xác định khoảng thời gian cụ thể và công ty phát hành trái phiếu phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn.
Người phát hành trái phiếu có thể là doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) hoặc tổ chức chính quyền như: Chính phủ (công trái hay trái phiếu chính phủ), kho bạc Nhà nước (trái phiếu kho bạc).
Một số thuật ngữ liên quan đến trái phiếu
Trái Chủ là người sở hữu trái phiếu (người cho tổ chức phát hành trái phiếu vay tiền)
Mệnh giá trái phiếu là giá trị được ghi trên trái phiếu (tương ứng với số vốn gốc)
Giá phát hành là giá bán ra của trái phiếu vào thời điểm phát hành. Thông thường giá phát hành được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) của mệnh giá.
Giá trái phiếu là mức giá giao dịch, mua và bán trái phiếu trên thị trường vào một thời gian xác định.
Kỳ hạn trái phiếu là thời gian được tính từ lúc trái phiếu được phát hành cho đến khi đáo hạn; theo đó ngày đáo hạn là ngày mà tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu.
Lãi suất trái phiếu là loại lãi suất của tổ chức phát hành cam kết hoàn trả cho nhà đầu tư. Lãi suất trái phiếu có thể là thả nổi hoặc cố định, được trả theo kỳ hạn theo quy định rõ ràng trong bản cáo bạch trái phiếu.
Đặc điểm của trái phiếu
- Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu không có quyền sở hữu hoặc tham gia quản lý công ty phát hành.
- Nhà đầu tư nhận được lãi theo kỳ hạn và sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền khi đến thời gian đáo hạn.
Trong trường hợp, công ty phá sản hoặc giải thể thì nhà đầu tư nắm giữu trái phiếu sẽ được thanh toán trước cổ đông phổ thông.
- Là công cụ để tổ chức phát hành huy động vốn.
Các loại trái phiếu phổ biến
Phân loại theo chủ thể phát hành
Dựa trên chủ thể phát hành, trái phiếu gồm 3 loại như sau:
- Trái phiếu chính phủ: do Chính phủ phát hành để huy động tiền nhàn rỗi trong dân và các tổ chức kinh tế, xã hội. Chính phủ luôn được coi là Nhà phát hành có uy tín nhất trên thị trường. Vì vậy, trái phiếu do Chính phủ phát hành luôn được coi là loại chứng khoán có ít rủi ro nhất.
- Trái phiếu của ngân hàng và các tổ chức tài chính: do các ngân hàng và các tổ chức tài chính phát hành để phục vụ các mục đích hoạt động kinh doanh như tăng vốn điều lệ, thực hiện dự án,…
- Trái phiếu doanh nghiệp: do các Doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn) phát hành để phục vụ các mục đích hoạt động kinh doanh như tăng vốn điều lệ, thực hiện dự án, v.v
Phân chia theo lợi tức trái phiếu
- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): là trái phiếu mà lợi tức thay đổi theo từng thời kỳ. Khoản lợi tức này được tính theo mức lãi suất biến đổi theo lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu có lãi suất cố định: là trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá trái phiếu.
- Trái phiếu có lãi suất bằng 0: là trái phiếu không trả lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi giữ đến thời gian đáo hạn.
Phân chia theo tính chất trái phiếu
- Trái phiếu chuyển đổi là trái phiếu do các công ty cổ phần phát hành và cho phép trái chủ được quyền chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty đó.
- Trái phiếu kèm chứng quyền: là trái phiếu được phát hành kèm quyền được mua một số lượng cổ phiếu nhất định của tổ chức phát hành theo điều kiện, diều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền là trái phiếu không đi kèm với quyền chuyển đổi thành cổ phần của doanh nghiệp phát hành, và không đi kèm quyền được mua cổ phần của doanh nghiệp phát hành.
Phân chia theo tinh chất đảm bảo thanh toán
- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo là loại trái phiếu không được đảm bảo thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.
- Trái phiếu có tài sản đảm bảo là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
Ưu điểm của trái phiếu.
- Có thể linh hoạt chuyển nhượng trái phiếu thông qua sàn giao dịch hoặc bán lại cho tổ chức phát hành và các trái chủ mới mà không cần giữ đến đáo hạn.
- Lợi nhuận hoặc lãi được tổ chức phát hành trả đều đặn cho khách hàng và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Dù làm ăn thua lỗ, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền lãi đúng hạn cho các trái chủ.
Trong trường hợp tổ chức phát hành ngừng hoạt động và thanh lý tài sản thì các trái chủ luôn được quyền ưu tiên nhận lại vốn trước các cổ đông sở hữu cổ phiếu.
Lợi ích và rủi ro khi mua trái phiếu.
Lợi ích
Thu nhập ổn định
Trái phiếu cung cấp thu nhập đều đặn thông qua lãi suất được trả định kỳ (hàng tháng, quý hoặc năm).
Đây là một lựa chọn tốt cho nhà đầu tư muốn có dòng tiền ổn định.
An toàn hơn cổ phiếu
Trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, có rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu vì lợi nhuận không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường.
Ưu tiên thanh toán
Trong trường hợp công ty phá sản, trái chủ được ưu tiên thanh toán trước cổ đông phổ thông.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Việc đầu tư vào trái phiếu giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể bằng cách phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư ổn định hơn.
Phù hợp với nhiều mục tiêu đầu tư
Trái phiếu có thể phù hợp cho cả nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm sự an toàn và các tổ chức lớn muốn đầu tư dài hạn.
Rủi ro
Rủi ro tín dụng
Nếu tổ chức phát hành không đủ khả năng thanh toán gốc và lãi, nhà đầu tư có thể mất tiền.
Rủi ro này thường cao hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu phát hành bởi tổ chức có xếp hạng tín dụng thấp.
Rủi ro lãi suất
Khi lãi suất thị trường tăng, giá trị trái phiếu hiện tại giảm, làm giảm khả năng bán lại trái phiếu với giá tốt.
Rủi ro thanh khoản
Một số trái phiếu khó bán lại trên thị trường thứ cấp do không có nhiều người mua, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp nhỏ.
Rủi ro tái đầu tư
Khi lãi suất giảm, tiền lãi từ trái phiếu có thể không được tái đầu tư với cùng mức lãi suất ban đầu.
Biến động giá trên thị trường thứ cấp
Giá trị trái phiếu trên thị trường thứ cấp có thể biến động do sự thay đổi về lãi suất, uy tín tổ chức phát hành hoặc tình hình kinh tế.
Lạm phát
Nếu lạm phát cao hơn lãi suất trái phiếu, giá trị thực tế của thu nhập từ trái phiếu sẽ giảm, làm mất đi sức hấp dẫn của kênh đầu tư này.