Trẻ em và những dấu hiệu về tâm lý cần được phát hiện sớm
Trẻ em và những dấu hiệu sớm về tâm lý cần được phát hiện sớm
Nhiều người cho rằng ở cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, con trẻ sẽ không có gì để lo lắng hay buồn bã. Chính vì vậy, các vấn đề tâm lý của trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Và khi số lượng ngày càng nhiều thì các bậc cha mẹ, hay những người chăm sóc trẻ mới để tâm tới và chấp nhận những ” bệnh lý” ở trẻ.
Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần là sự lành mạnh về cảm xúc, tâm lý và hành vi xã hội của chúng ta. Bệnh tâm thần, còn được gọi là rối loạn sức khỏe tâm thần, là những mẫu hành vi hoặc sự thay đổi trong cách suy nghĩ, cảm nhận hoặc hành xử gây ra đau khổ hoặc cản trở khả năng hoạt động bình thường.
Các tình trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em thường được định nghĩa là sự chậm phát triển hoặc thay đổi trong suy nghĩ, hành vi, kỹ năng xã hội hoặc khả năng kiểm soát cảm xúc. Những vấn đề này gây đau khổ cho trẻ và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tại nhà, ở trường hoặc trong các môi trường xã hội khác.
Các rối loạn sức khỏe tâm thần mà trẻ thường gặp phải?
Xác định các triệu chứng cảnh báo ở trẻ em có thể khó khăn vì chúng thay đổi tùy theo độ tuổi, và trẻ em có thể không thể diễn đạt cảm xúc hoặc giải thích hành vi của mình.
Các rối loạn được các chuyên gia đưa ra bao gồm:
- Rối loạn lo âu: Trẻ em có thể trải qua nỗi sợ hãi hoặc lo âu kéo dài làm cản trở hoạt động vui chơi, học tập hoặc tương tác xã hội. Bao gồm lo âu xã hội, lo âu tổng quát và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Trẻ em có ADHD gặp khó khăn hơn trong việc chú ý, hành vi bốc đồng, hiếu động hoặc kết hợp các vấn đề này so với trẻ khác.
- Rối loạn phổ tự kỷ (ASD): Là tình trạng thần kinh khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác với người khác, thường xuất hiện trước 3 tuổi.
- Rối loạn ăn uống: Gồm các hành vi ăn uống không an toàn do ám ảnh về hình dáng lý tưởng, suy nghĩ rối loạn về cân nặng, hoặc các vấn đề tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm, bao gồm chán ăn tâm thần, ăn uống vô độ.
- Trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác: Cảm giác buồn bã kéo dài làm giảm khả năng học tập và giao tiếp. Rối loạn lưỡng cực là rối loạn tâm trạng với sự thay đổi tâm trạng cực đoan giữa trạng thái hưng phấn và buồn bã.
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Bị kích hoạt sau bạo lực, lạm dụng, chấn thương, có biểu hiện lo lắng, ác mộng và hành vi rối loạn.
- Tâm thần phân liệt: Rối loạn này ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và nhận thức thực tế của trẻ, thường xuất hiện ở tuổi 20.
Bệnh lý theo độ tuổi
Nuôi dạy con là đối mặt với những thách thức mới. Không có hướng dẫn nào đảm bảo con luôn hài lòng; những thay đổi về cảm xúc như giận dữ, buồn bã, dễ cáu, hoặc hiếu chiến là những giai đoạn phát triển phổ biến. Nhưng đôi khi những biểu hiện này có thể báo hiệu các vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo sự gia tăng đáng kể số lượng người đối mặt với lo âu và trầm cảm. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở tuổi vị thành niên. Chỉ 1% trẻ em nhận được sự chăm sóc y tế cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, 7,3% thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, và 50% các bệnh về sức khỏe tâm thần bắt đầu trước tuổi 14.
Độ tuổi 0- 5 tuổi
Các bệnh lý tâm lý có nguy cơ mắc
Trong giai đoạn này, trẻ có thể bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu của các rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Trẻ cũng có thể gặp vấn đề về lo âu tách rời khi rời xa cha mẹ- rối loạn lo âu chia cách.
Biểu hiện và nguyên nhân
ASD
- Biểu hiện:
- Khó khăn giao tiếp xã hội: Không phản hồi khi được gọi tên,không dán nhìn thẳng vào mắt, không biểu hiện cảm xúc, ít chia sẻ sở thích.
- Hạn chế ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ: Chậm nói, lặp lại từ ngữ, ít dùng cử chỉ, khó hiểu ngôn ngữ.
- Hành vi lặp lại và sở thích hạn chế: Lặp đi lặp lại các hành động, có thói quen cứng nhắc khó thay đổi.
- Nguyên nhân:
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy rối loạn tự kỷ có liên quan đến gen, đặc biệt là khi gia đình có người mắc tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển thần kinh khác.
- Sự phát triển của não bộ: Những thay đổi trong cách não bộ phát triển và hoạt động, bao gồm các vấn đề trong kết nối giữa các tế bào thần kinh, có thể dẫn đến các triệu chứng của tự kỷ.
- Yếu tố môi trường: Một số yếu tố môi trường trong thai kỳ và sau khi sinh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não trẻ, như việc mẹ bị nhiễm trùng, tiếp xúc với chất độc hại, hay các biến chứng trong quá trình sinh nở.
- Mối liên hệ giữa di truyền và môi trường: Một số người cho rằng có sự tương tác phức tạp giữa di truyền và môi trường có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn tự kỷ.
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy rối loạn tự kỷ có liên quan đến gen, đặc biệt là khi gia đình có người mắc tự kỷ hoặc các rối loạn phát triển thần kinh khác.
Rối loạn lo âu xa cách
- Biểu hiện:
- Sợ hãi không kiểm soát được khi phải xa người thân, không muốn ở một mình, các triệu chứng thể chất như đau bụng, đau đầu.
- Nguyên nhân:
- Yếu tố di truyền: Trẻ có cha mẹ hoặc người thân mắc các rối loạn lo âu có nguy cơ cao hơn phát triển rối loạn lo âu xa cách.
- Sự gắn bó không lành mạnh: Trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người chăm sóc, đặc biệt nếu cha mẹ quá bảo vệ hoặc lo lắng, có thể dẫn đến rối loạn lo âu xa cách.
- Khó khăn trong điều tiết cảm xúc: Một số trẻ gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, đặc biệt là khi đối diện với thay đổi, điều này có thể khiến trẻ lo lắng khi phải xa người thân.
- Yếu tố phát triển thần kinh: Một số rối loạn thần kinh hoặc tâm lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu xa cách.
- Yếu tố di truyền: Trẻ có cha mẹ hoặc người thân mắc các rối loạn lo âu có nguy cơ cao hơn phát triển rối loạn lo âu xa cách.
Độ tuổi 6- 12 tuổi
Đây là giai đoạn mà trẻ có thể bắt đầu biểu hiện các vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Các dấu hiệu này có thể rõ ràng hơn khi trẻ tham gia vào các hoạt động ở trường hoặc các môi trường xã hội khác.
Biểu hiện:
- Cô lập, tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử và giảm hoạt động
- Hành vi bốc đồng
- Cảm thấy mệt mỏi
- Cảm thấy lo lắng và sợ hãi
- Cảm giác buồn bã kéo dài trên hai tuần
- Tránh xa giao tiếp xã hội
- Bộc phát cáu giận cực độ
- Thói quen ăn uống không lành mạnh
- Giảm cân
- Khó ngủ
- Thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng
- Khó tập trung
- Tránh đi học
- Không thể ngồi yên, nói quá nhiều
Nguyên nhân:
- Di truyền: Rối loạn lo âu có thể di truyền trong gia đình.
- Yếu tố sinh học: Sự mất cân bằng trong các hóa chất não (neurotransmitters) như serotonin, dopamine, và GABA có thể góp phần vào việc phát triển lo âu.
- Căng thẳng và môi trường sống: Trẻ em trải qua các sự kiện căng thẳng hoặc chấn thương trong cuộc sống (như mất mát, ly dị của cha mẹ, hoặc bạo lực gia đình) có thể phát triển lo âu.
- Môi trường gia đình: Một môi trường gia đình không ổn định, thiếu sự hỗ trợ, hoặc cha mẹ có xu hướng lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lo âu ở trẻ.
- Khó khăn trong giao tiếp xã hội: Trẻ em gặp khó khăn trong việc kết bạn hoặc bị cô lập xã hội có thể dễ bị trầm cảm
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) trên còn có thể xuất phát những nguyên nhân tiềm ẩn ở giai đoạn mang thai và sau sinh như: yếu tố môi trường trong suốt thời kỳ mang thai, chẳng hạn như hút thuốc, sử dụng rượu, hoặc tiếp xúc với các chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, làm tăng nguy cơ mắc ADHD. Hoặc trẻ sinh non hoặc có cân nặng thấp khi sinh có thể có nguy cơ mắc ADHD cao hơn.
Độ tuổi 13- 18 tuổi
Đây là giai đoạn mà các vấn đề tâm lý trở nên phổ biến và có thể trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống và rối loạn hành vi. Các rối loạn về cảm xúc cũng dễ phát hiện hơn do trẻ ở giai đoạn này có khả năng diễn đạt cảm xúc tốt hơn và có những thay đổi lớn về tâm lý và sinh lý.
Biểu hiện:
Ở giai đoạn này, trẻ có những biểu hiện về trầm cảm, lo âu như giai đoạn từ 6- 12 tuổi nhưng có thể kèm theo những mức độ nặng như: hành vi tự hại bản thân, tự tử, lạm dụng chất kích thích, hiếu chiến,…
Cảnh báo:
- Trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 lại có 1 người gặp phải các rối loạn tâm thần, chiếm 15% gánh nặng bệnh tật toàn cầu trong nhóm tuổi này.
- Trầm cảm, lo âu và các rối loạn hành vi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật trong giới trẻ.
- Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trong nhóm tuổi 15-29.
- Hậu quả của việc không giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần ở tuổi thiếu niên sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm suy giảm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, và hạn chế cơ hội sống một cuộc sống viên mãn khi trưởng thành.
Nguyên nhân:
Những yếu tố như gia đình, trường học, công việc, môi trường xã hội hoặc vấn đề cá nhân là nguyên nhân chính gây ra các rối loạn này, gây căng thẳng cho tâm trí của trẻ và làm gián đoạn chức năng hành vi của trẻ tại nhà, trường hoặc trong các tình huống xã hội khác.
Rào cản trong điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần
Có rất nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc hỗ trợ và điều trị bệnh lý tâm thần ở trẻ như:
- Việc phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em có thể khó khăn vì sự phát triển bình thường của trẻ thường có nhiều sự thay đổi. Ngoài ra, các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ có thể không thể diễn tả cảm giác hoặc giải thích hành vi của mình.
- Sự kỳ thị liên quan đến bệnh tâm thần, việc sử dụng thuốc, chi phí điều trị
- Khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Phương pháp điều trị
Nếu bạn nghi ngờ trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, hãy gặp gỡ thầy cô, bạn bè thân thiết của trẻ ở trường để hỏi về những thay đổi và sau đó hãy đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được đánh giá và có những chuẩn đoán chính xác.
Để có được phương pháp điều trị phù hợp cần phải thực hiện các bước sau:
- Chẩn đoán sớm và đúng
- Giao tiếp và theo dõi
- Sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý
- Mạng lưới an toàn cảm xúc
Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp tâm lý, hay còn gọi là liệu pháp trò chuyện hoặc liệu pháp hành vi, là phương pháp điều trị trong đó trẻ trò chuyện với nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác để giải quyết các vấn đề tâm lý. Đối với trẻ nhỏ, liệu pháp có thể bao gồm trò chơi, giúp trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, kiểm soát phản ứng với căng thẳng và học các hành vi và cách đối phó mới.
Thuốc: Chuyên gia sức khỏe tâm thần của trẻ có thể kê đơn thuốc như chất kích thích, thuốc chống trầm cảm, chống lo âu, chống loạn thần hoặc ổn định tâm trạng. Bạn cần nắm rõ các rủi ro, tác dụng phụ và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc trước khi bắt đầu.
Và đừng quên, yếu tố ” Gia đình” hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị bệnh lý ở trẻ. Nếu đứa trẻ của bạn bị bệnh thì hãy tìm hiểu, đồng hành và hỗ trợ con nhiều hơn:
- Tìm hiểu về căn bệnh.
- Cân nhắc tư vấn gia đình để tất cả thành viên cùng tham gia vào kế hoạch điều trị.
- Nhờ chuyên gia tư vấn về cách phản ứng với con và xử lý hành vi khó khăn.
- Tham gia các chương trình đào tạo dành cho cha mẹ có con mắc bệnh tâm thần.
- Tìm cách để giảm căng thẳng và giúp bạn phản ứng một cách bình tĩnh.
- Dành thời gian để thư giãn và vui chơi với con.
- Khen ngợi các điểm mạnh và kỹ năng của con.
- Làm việc với trường học của con để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Cách bảo vệ và hạn chế ” rối loạn sức khỏe tâm thần” ở trẻ
Gia đình là nơi xây dựng nền tảng tốt nhất cho con trẻ. Để hạn chế những bệnh lý, vai trò của cha mẹ cực kỳ quan trọng.
Loại bỏ yếu tố di truyền, yếu tố sinh học thì ba mẹ sẽ nuôi dưỡng nội lực của con là cách bảo vệ con một cách tốt nhất:
- Dạy cho trẻ về EQ
- Dành thời gian chất lượng bên con: chơi cùng con, chia sẻ, nói chuyện,…
- Dạy cho con về việc ” sử dụng công nghệ hữu ích”- không phải là lạm dụng.
- Làm gương về các giá trị sống
- Tạo môi trường cho con học tập và phát triển kĩ năng
- Là người bạn, hỗ trợ – đồng hành cùng con, cung cấp cho con những nguồn thông tin chính xác nhất và để con tự ” LỰA CHỌN, ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH”
- Xây đựng gia đình yêu thương, hòa thuận, chia sẻ,…và có lối sống lành mạnh.