Intern, fresher, Junior, Senior là gì?
Trong một công ty, tổ chức thường phân rõ các vị trí, cấp bậc khác nhau để phân công công việc và nhận trách nhiệm tương ứng với công việc đó, hơn nữa đây cũng là căn cứ để xác định mức lương thưởng. Từ đó các thuật ngữ chỉ cấp bậc trong công ty đã ra đời như fresher, intern, junior,..dựa vào các cấp bậc này mà người đi làm có thể xây dựng cho mình một lộ trình thăng tiến rõ ràng. Hãy cùng Lagiweb tìm hiểu về các cấp bậc thường xuất hiện trong các công ty nhé.
1. Intern là gì?
Intern (thực tập sinh) là người đang học việc tại một tổ chức/doanh nghiệp nào đó. Mục đích của các intern khi đến thực tập là muốn tìm hiểu về môi trường làm việc và rèn luyện kĩ năng, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trước khi chính thức bước vào thị trường lao động và tìm công việc chính thức. Thông thường vị trí intern là sinh viên năm 3, năm 4 hoặc người mới tốt nghiệp.
Đặc điểm của quá trình làm Intern
- Kỳ thực tập của Intern thường kéo dài vài tuần đến vài tháng tuỳ thuộc vào yêu cầu của công ty thực tập.
- Quá trình duyệt CV và phỏng vấn Intern thường đơn giản hơn các vị trí khác vì Intern chỉ là quá trình tích luỹ kinh nghiệm, cọ sát với môi trường thực tế chứ không yêu cầu tham gia quá sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp.
- Thường thì Intern sẽ được trả một khoản phụ cấp rất nhỏ hoặc không lương.
2. Fresher là gì?
Fresher là người vừa ra trường, có kiến thức và được đào tạo bài bản nhưng có chưa kinh nghiệm trong nghề. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, đó là sinh viên mới ra trường nhưng lại có trên 2 năm kinh nghiệm. Những người này sẽ không còn là cấp Fresher nữa, mà là cấp Junior hoặc Senior.
Điểm chung của hầu hết các Fresher là sự nhiệt huyết, năng động xuất phát từ trong con người họ. Họ luôn tích cực học hỏi và sẵn sàng cống hiến hết mình để hoàn thiện công việc mà cấp trên giao phó.
Nếu Intern chỉ được trả một khoản lương ít ỏi hoặc không lương thì Fresher được thoả thuận một mức lương cụ thể kèm phụ cấp. Khi tuyển dụng Fresher về làm việc cho mình, mỗi công ty phải chấp nhận bỏ ra một lượng lớn tiền bạc, công sức cũng như nguồn lực để đào tạo họ về công việc và trả lương hàng tháng, nên hầu hết Fresher chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn (kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm) mà thôi. Sau thời gian này, những người có hiệu suất làm việc tốt sẽ được cất nhắc ký hợp đồng dài hạn với công ty.
3. Junior là gì?
Junior là những người có ít kinh nghiệm làm việc như sinh viên mới ra trường hoặc những người mới ở 0 – 2 năm đầu của sự nghiệp.
Họ thường là những người trẻ, mới trải qua quá trình làm fresher hoặc intern sau đó gia nhập thị trường lao động. Junior vẫn cần được hướng dẫn, giám sát trong quá trình làm việc để hoàn thiện, nắm bắt các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc của mình. Nhưng vì quá ít kinh nghiệm và kiến thức nên họ thường hay mông lung về công việc hiện tại của mình, vì vậy việc tìm hiểu kỹ về cơ hội nghề nghiệp trước khi bước ra thị trường lao động cùng như hoạch định lộ trình thăng tiến như một la bàn giúp cho một người đi đúng hướng trong công việc.
Thường thì quá trình apply và phỏng vấn vị trí này sẽ yêu cầu nhiều kỹ năng và kiến thức hơn vị trí Fresher, đổi lại ứng viên ở vị trí này có thể đề xuất mức lương dựa theo kiến thức và kỹ năng đã tích luỹ được.
4. Senior là gì?
Senior chỉ những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công việc của mình. Họ đã tích lũy được một số năm kinh nghiệm làm việc và đã đạt được một mức độ chuyên môn cao.
Họ có khả năng đưa ra các quyết định độc lập và thường được tôn trọng. Khi đội nhóm gặp vấn đề cần giải quyết họ sẽ tìm kiếm giải pháp để tư vấn và hướng dẫn các thành viên ở level thấp hơn cách xử lý vấn đề. Trách nhiệm của họ trong công việc cao nhất so với các cấp bậc trên nên mức lương thưởng so với Junior, Fresher cũng cao hơn rất nhiều.
5. Lộ trình cơ bản: Fresher > Junior > Middle > Senior.
Lộ trình thăng tiến để trở thành một Senior trong một tổ chức là một quá trình phát triển bước đầu từ vai trò cơ bản đến nhân viên cấp cao.
Trước hết, việc xây dựng một cơ sở vững chắc là cực kỳ quan trọng. Bắt đầu từ vai trò Fresher, việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm chính là chìa khóa để phát triển xa hơn, trở thành Junior rồi đến level Middle – giao cấp giữa Junior và Senior.
Ở giai đoạn này, cá nhân sẽ cần tự quản trị công việc của mình một cách chặt chẽ và không ngừng cập nhật kiến thức. Ngoài ra, cá nhân cần chứng minh bản thân có đóng góp đáng kể vào tổ chức thông qua thành tích và kết quả làm việc. Khi đã tôi luyện đủ, đạt được độ “chín” trong cả kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, chính là lúc thăng cấp lên level Senior.
Senior, Junior, Fresher, Intern là những thuật ngữ cơ bản về chức danh, vị trí ở từng doanh nghiệp. Hiểu về khái niệm và cách phân biệt các thuật ngữ này, ứng viên sẽ phần nào đánh giá được tiềm năng của bản thân ở từng vị trí và ứng tuyển phù hợp nhất.