QC là gì? Học ngành gì để làm QC?
Bất kỳ sản phẩm nào trước khi tung ra thị trường cũng cần trải qua quá trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và chặt chẽ, nhờ vậy, sản phẩm sẽ đến tay khách hàng với sự hoàn hảo và chất lượng nhất. Để thực hiện quy trình quan trọng đó, công lớn phải kể đến bộ phận QC (Quality Control). Vậy QC là gì? Học ngành gì để làm QC, kỹ năng cần có của một QC là gì? Hãy cùng Lagiweb tìm hiểu ngay nhé!
1. QC là gì?
QC là viết tắt của Quality Control, có nghĩa là kiểm soát chất lượng, đây là công đoạn mà doanh nghiệp thực hiện kiểm tra, kiểm soát để đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Mục tiêu chính của QC là xác định và khắc phục mọi sai lệch so với các tiêu chuẩn chất lượng đã thiết lập. QC cũng quan tâm đến việc phát hiện và loại bỏ các khiếm khuyết hoặc sai sót xảy ra ngay từ đầu bằng cách thực hiện các biện pháp kiểm soát và cải tiến quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ.
2. Công việc chính của nhân viên QC là gì?
Bộ phận QC cũng chia thành 3 vị trí, mỗi vị trí sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, cụ thể là:
IQC (kiểm soát chất lượng đầu vào): Nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (IQC) là người chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng của các nguyên liệu, vật tư đầu vào trước khi đưa vào sản xuất. Công việc của IQC có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Mô tả công việc cụ thể của vai trò này bao gồm:
- Kiểm tra các thông số kỹ thuật của nguyên liệu, vật tư đầu vào như kích thước, màu sắc, thành phần hóa học, độ bền,… để đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã được quy định.
- Trong trường hợp nguyên liệu, vật tư không đạt tiêu chuẩn, IQC sẽ báo cáo cho cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời. Các biện pháp xử lý có thể bao gồm: từ chối nhận nguyên liệu, vật tư, yêu cầu nhà cung cấp gửi lại nguyên liệu, vật tư khác hoặc yêu cầu nhà cung cấp sửa chữa, khắc phục nguyên liệu, vật tư.
- Theo dõi tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất để đảm bảo chúng được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.
- Làm việc với nhà cung cấp để đánh giá chất lượng nguyên liệu, vật tư đầu vào, đảm bảo nhà cung cấp đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp.
- Tham gia phát triển sản phẩm mới để đưa ra các yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, vật tư đầu vào phù hợp với sản phẩm mới.
PQC (kiểm soát quy trình sản xuất): PQC là nhân viên kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất (Process Quality Control) là người chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng của sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã định sẵn.
- Tham gia xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng, từ lựa chọn nguyên liệu, quá trình sản xuất, đến kiểm tra cuối cùng.
- Phối hợp với QA để triển khai, điều chỉnh quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm.
- Trực tiếp kiểm tra từng bước của quy trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã định sẵn. Nhân viên PQC cũng cần kiểm tra và phản hồi lại bộ phận IQC nếu phát hiện nguyên, vật liệu có vấn đề.
- Phối hợp với các bộ phận khác để giải quyết các yêu cầu của khách hàng và các khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
- Tham gia vào quá trình lên ý tưởng kinh doanh để phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới cho doanh nghiệp.
OQC (kiểm soát chất lượng đầu ra): OQC là nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (Output Quality Control) là người chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra của một doanh nghiệp sản xuất. Họ là những người cuối cùng kiểm tra sản phẩm trước khi được giao cho khách hàng. Mục đích của công việc này là đảm bảo sản phẩm đạt các yêu cầu về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
- Thiết lập các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo quy trình ISO mà doanh nghiệp đang áp dụng.
- Tham gia xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm.
- Trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra và xác nhận “Đạt” với sản phẩm đạt yêu cầu.
- Phân loại sản phẩm lỗi, sai sót kỹ thuật và chuyển yêu cầu sửa chữa cho PQC.
Cá nhân đảm nhiệm công việc ở vị trí này đòi hỏi phải có kiển thức, kỹ năng chuyên sâu về sản phẩm, hiểu rõ quy trình sản xuất sản phẩm, những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phải đạt đc,…
Ví dụ: Trong ngành may, người làm ở vị trí PQC phải là người may giỏi, hiểu các tiêu chuẩn kỹ thuật may theo quy định để kiểm soát chất lượng may của công nhân và chất lượng sản phẩm.
3. Học ngành gì để ra trường làm vị trí QC?
Tuỳ vào định hướng lĩnh vực bạn muốn theo đuổi (làm cho Công ty công nghệ, Công ty thực phẩm,…) để chọn ngành học phù hợp:
Ngành Quản trị chất lượng: Là ngành học chuyên đào tạo về các kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ liên quan đến quản lý chất lượng. Các kiến thức này sẽ giúp người học hiểu rõ về các khái niệm, nguyên tắc, phương pháp và công cụ quản lý chất lượng, từ đó có thể đảm nhận tốt các công việc của một nhân viên QC.
Ngành Công nghệ thông tin: Nhu cầu tuyển dụng QC trong thời đại số hóa, để kiểm định chất lượng của phần mềm ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Nếu có đam mê với công nghệ thông tin và muốn trở thành nhân viên QC trong lĩnh vực này, người học có thể cần nhắc theo học ngành này.
Công nghệ thực phẩm: Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, vì vậy việc tuyển dụng đội ngũ QC thực phẩm để đảm bảo chất lượng là cực kỳ cần thiết. Nếu mong muốn dấn thân vào lĩnh vực này, bạn có thể chọn theo đuổi ngành Công nghệ Thực phẩm để trau dồi kiến thức về bảo quản, chế biến, đánh giá, kiểm định chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra các công ty sản xuất chuyên về cơ khí, điện tử,..cũng có bộ phận QC, bạn có thể tham khảo thêm các ngành dưới đây:
Kỹ thuật cơ khí
Kỹ thuật điện – điện tử
Kỹ thuật hóa học
Kỹ thuật xây dựng
Việc kiểm soát chất lượng tại chỗ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và sự thành công chung của doanh nghiệp. QC có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, từ đào tạo nhân sự đến tạo các công cụ dựa trên dữ liệu để kiểm tra sản phẩm và đặt ra tiêu chuẩn. Các phương pháp kiểm soát chất lượng giúp tạo ra môi trường làm việc an toàn và sản phẩm an toàn khi sử dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
4. Vì sao nên chọn ngành QC?
Tại sao nên thử sức với vị trí nhân viên QC?
Không thể phủ nhận rằng đây là một công việc khá tiềm năng. Với nhu cầu cạnh tranh trong thị trường khắc nghiệt như hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều cố gắng tung ra thật nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, họ cũng phải đảm bảo sản phẩm chỉn chu và hoàn hảo nhất khi tới tay khách hàng, vì thế, các công ty chắc chắn sẽ cần một đội QC chuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nếu có kiến thức về công nghệ, bạn hoàn toàn có thể apply vào các Công ty IT outsourcing với mức lương hấp dẫn.
Trên thực tế, mức lương trong ngành QC khá đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm hay kinh nghiệm làm việc. Mức thu nhập trung bình đối với nhân viên QC dao động từ 8 – 16 triệu đồng/tháng. Nhân viên từ 3 – 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương khoảng 11 – 20 triệu đồng/tháng.
Trên đây Lagiweb đã chia sẻ đến bạn thông tin về vị trí nhân viên QC, hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn có định hướng rõ hơn về công việc của mình trong tương lai.